Dị ghép tế bào gốc - liệu pháp điều trị hứa hẹn các bệnh về máu

Dị ghép tế bào gốc đang được ứng dụng điều trị nhiều bệnh máu ác tính và lành tính như bạch cầu cấp, bạch cầu mạn, suy tủy, suy giảm miễn dịch bẩm sinh…

Liệu pháp điều trị hứa hẹn các bệnh về máu

Bệnh nhi bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh đã được các bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư thực hiện ghép tế bào gốc máu nửa thuận hợp bằng phương pháp lọc tế bào ngoài cơ thể theo công nghệ từ tính.

ghep-te-bao-goc-cho-bn-nhi-bv-truyen-mau-huyet-hoc.jpg
Bệnh nhi mắc bệnh về máu được ghép tế bào gốc tại Bệnh viện Truyền học Huyết học TPHCM.

“Bệnh nhi được chẩn đoán suy giảm miễn dịch bẩm sinh kết hợp không có tế bào lympho T và lympho B. Với bệnh nhân này, chúng tôi không tìm được mảnh ghép phù hợp. Người cho là bố đẻ của bệnh nhi, có HLA phù hợp khoảng 50%”, TS.BS Nguyễn Thanh Bình, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết.

Xét nghiệm xác định HLA là xét nghiệm máu nhằm xác định kháng nguyên trên bề mặt tế bào và mô cơ thể để xem liệu mô của người hiến tương thích cấy sang cho người khác hay không.

Chọn được mảng ghép HLA phù hợp hiện nay rất khó khăn đối với các bệnh nhân có nhu cầu ghép. Trong khi đó, các nguồn tế bào gốc khác như ngân hàng máu cuống rốn còn rất hạn chế về số lượng.

Theo TS.BS Nguyễn Thanh Bình, với phương pháp ghép tế bào gốc máu nửa thuận hợp bằng phương pháp lọc tế bào ngoài cơ thể theo công nghệ từ tính, người ta có thể chọn được mảnh ghép từ người cho dễ dàng hơn, chống thải ghép.

“Chúng tôi tìm cách loại bỏ tế bào lympho T từ mảnh ghép bên ngoài cơ thể và truyền cho bệnh nhân. Với phương pháp mới, các tế bào gây bất lợi cho mảnh ghép gần như được loại bỏ hoàn toàn”, TS.BS Nguyễn Thanh Bình nói.

Bệnh nhi nói trên có quá trình phục hồi sau ghép khá tốt, hiện nay đã được 4 tuổi, đặc biệt không có hiện tượng thải ghép.

Một bệnh nhi khác mắc nhược cơ tự miễn kháng trị cũng đã được ghép theo công nghệ lọc tế bào ngoài cơ thể bằng phương pháp từ tính. Bệnh nhi được chỉ định ghép tế bào gốc tạo máu tự thân. Sau khi lọc tế bào, quá trình ghép diễn ra bình thường và cho kết quả sau ghép ổn.

Theo TS.BS Nguyễn Thanh Bình, tế bào gốc là tế bào non có 2 đặc tính gồm tự duy trì cả về số lượng lẫn chức năng và đặc tính biệt hóa.

Tế bào gốc tạo máu là tế bào gốc nằm trong các vùng tạo máu ở tủy xương đối với người lớn có chức năng biệt hóa thành các dòng tế bào máu như hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu.

Lọc tế bào ngoài cơ thể bằng phương pháp từ tính, chúng ta có thể chọn được tế bào theo ý muốn và loại bỏ tế bào không cần thiết, hiệu suất cao và hạn chế các biến chứng sau ghép.

Người cho nửa thuận hợp luôn có trong gia đình

TS.BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết, ghép tế bào gốc tạo máu đã được dùng để điều trị nhiều bệnh lý ác tính cũng như lành tính. Tuy nhiên, chỉ có 30% các trường hợp có thể tiếp cận được người cho phù hợp HLA gần như 100%.

ghep-te-bao-goc-tao-mau-bv-truyen-mau-huyet-hoc-tphcm.jpg
Với phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu nửa thuận hợp, nhiều bệnh nhân mắc các bệnh liên quan về máu thêm cơ hội tiếp cận điều trị.

Ghép tế bào gốc nửa thuận hợp là khi người cho chỉ phù hợp một nửa (50%) kết quả HLA với người nhận. Do vậy, ghép tế bào gốc tạo máu nửa thuận hợp đã được sử dụng nhằm mục đích tăng số lượng người có thể tiếp nhận kỹ thuật điều trị nhờ ghép tế bào gốc.

Nhiều bệnh lý cấp tính như bạch cầu cấp, suy tủy, loạn sinh tủy… dễ trở nặng trong thời gian trì hoãn để chờ đợi người cho. Việc tìm kiếm nguồn người cho từ ngân hàng tế bào gốc thường tốn nhiều thời gian, trung bình khoảng 3 - 6 tháng và khả năng tìm được người cho phù hợp HLA cũng không cao.

PGS.TS.BS Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM cho biết thêm, người cho nửa thuận hợp luôn có sẵn trong gia đình như anh chị em, con cái, cha mẹ. Theo đặc điểm di truyền, cha mẹ và con cái thường phù hợp với nhau 50% về HLA. Trong khi ở anh chị em ruột, tỷ lệ người cho nửa thuận hợp là 50%.

Vì vậy, các tiến bộ trong ghép tế bào gốc nửa thuận hợp giúp cuộc ghép diễn ra nhanh hơn, tránh những kết quả bất lợi do chậm trễ điều trị…

Nhiều tiến bộ trong nghiên cứu ghép tế bào gốc tạo máu nửa thuận hợp đã được trình bày tại Hội nghị Truyền máu - Huyết học phía Nam mở rộng lần 6 và Hội nghị Liệu pháp Tế bào châu Á - Thái Bình Dương (ACTO 2021).

Hội nghị diễn ra từ ngày 25 - 27/11/2021 tại TPHCM, xoay quanh các lĩnh vực truyền máu huyết học, liệu pháp tế bào và ghép tế bào gốc.

Theo TS.BSCKII Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM, trong những năm gần đây, ngành Truyền máu - Huyết học của Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc như ứng dụng được những kỹ thuật mới, chuyên sâu trong điều trị và chẩn đoán các bệnh lý về máu, cũng như cải tiến chất lượng trong lĩnh vực truyền máu.

Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM cũng là một trong những cơ sở y tế đầu tiên thực hiện ghép tế bào gốc tạo máu nửa thuận hợp.

Theo Đời sống
Điều trị polyp rốn

Điều trị polyp rốn

Ở trẻ sơ sinh, thông thường rốn sẽ tự rụng sau 7 - 10 ngày và sau khoảng 2 tuần thì rốn khô và liền hẳn. Một số trẻ gặp tình trạng rốn rụng chưa hết, còn lại một phần niêm mạc rốn gây tiết dịch thường xuyên gọi là polyp rốn, hay còn gọi là u hạt rốn.
back to top