Nghiên cứu được thử nghiệm với người bệnh có COPD tại 3 bệnh viện: Bệnh viện Quân y 103 - Học viện Quân y, Bệnh viện Phổi T.Ư, Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh.
Theo GS.TS Đồng Khắc Hưng, Chủ nhiệm đề tài, COPD là bệnh phổ biến, diễn biến mạn tính, đặc trưng bởi sự tắc nghẽn luồng khí thở ra không hồi phục hoàn toàn, thường tiến triển nặng dần liên quan đến đáp ứng viêm mạn tính quá mức ở đường hô hấp và nhu mô phổi với các hạt bụi, khí độc hại. COPD thường triến triển với các đợt cấp và nặng dần theo thời gian dù được điều trị phối hợp các biện pháp.
Một số biện pháp can thiệp đã được áp dụng điều trị COPD song vẫn chưa đáp ứng được mong muốn quan trọng của người bệnh là cải thiện chất lượng cuộc sống.
Theo GS.TS Đồng Khắc Hưng cho hay, tế bào gốc và tế bào gốc trung mô đã được chứng minh có khả năng kháng viêm, điều biến miễn dịch và tái tạo. Nhờ đặc tính điều biến miễn dịch độc đáo nên tế bào gốc trung mô trở thành loại tế bào có giá trị trong điều trị và chữa tổn thương mô, cơ quan, hoặc trong điều trị các bệnh viêm mạn tính, bệnh tự miễn. Dây rốn là một nguồn cung cấp tế bào gốc trung mô có nhiều tiềm năng ứng dụng và có quy trình thu thập đơn giản, dễ thu nhận, có nhiều loại tế bào gốc và số lượng nhiều.
Trong các nguồn cung cấp TBG, dây rốn là một nguồn cung cấp TBG trung mô có nhiều tiềm năng ứng dụng. |
Thực hiện nghiên cứu này, các tác giả đã sử dụng tế bào gốc từ dây rốn của trẻ sơ sinh (trẻ sinh đủ tháng và có mẹ không mắc các bệnh truyền nhiễm).
Nhóm nghiên cứu đã lựa chọn 96 bệnh nhân (chủ yếu là nam giới) được chẩn đoán xác định COPD và chia thành 3 nhóm.
Bệnh nhân COPD được điều trị bằng ghép tế bào gốc 2 lần, mỗi lần cách nhau 6 tháng với liều 1,5 triệu tế bào gốc trung mô/kg cân nặng bằng truyền đường tĩnh mạch. Kết quả cho thấy, liệu pháp ghép tế bào gốc trung mô đồng loài an toàn không có sốc phản vệ hay tử vong sau ghép. Sau khi điều trị cho thấy an toàn, không ảnh hưởng đến các cơ quan, chức năng sinh lý của người bệnh.
Theo nhóm nghiên cứu, kết quả sau ghép tế bào gốc giúp giảm nồng độ protein C phản ứng (CRP) trong máu, giảm điểm số khó thở, tăng khả năng đi bộ 6 phút và giảm số đợt cấp trong 6 và 12 tháng.
GS.TS Phạm Gia Khánh, Chủ nhiệm Chương trình KC.10/16-20 cho rằng, kết quả này mở ra một hướng mới trong điều trị COPD nói riêng và các bệnh khác nói chung bằng tế bào gốc trung mô đồng loài từ mô dây rốn.