Xót xa số phận của 100.000 nữ chiến binh Thái bình thiên quốc

Dưới bóng cờ bình đẳng giới của Thái Bình Thiên Quốc, số phận của 100.000 nữ chiến binh vẫn vô cùng thê thảm.

Thái Bình Thiên Quốc là cuộc khởi nghĩa nông dân long trời lở đất do Hồng Tú Toàn lãnh đạo vào cuối triều đại Đạo Quang nhà Thanh, khởi nghĩa không chỉ hứa hẹn một xã hội chia đều ruộng đất mà còn giương cao ngọn cờ bình đẳng nam nữ. Lời kêu gọi này đã thu hút hàng vạn phụ nữ gia nhập đội ngũ nghĩa quân, có thời điểm lên tới hơn 100.000 người. Tuy nhiên, khi cơ đồ Thái Bình Thiên Quốc tan rã, những bóng hồng cầm đao, cầm súng ấy cũng dần chìm vào quên lãng của lịch sử.

Theo ghi nhận từ Lịch sử Nhân văn Quốc gia Trung Quốc, khởi nguồn từ Kim Điền, Quảng Tây vào năm 1851, phong trào Bái Thượng Đế Giáo của Hồng Tú Toàn đã thu hút đông đảo người dân, trong đó có nhiều gia đình cùng nhau tham gia khởi nghĩa. Nhận thấy việc hành quân theo đơn vị gia đình không phù hợp với chiến trận, Hồng Tú Toàn đã ban hành một loạt quy định nghiêm ngặt, nổi bật là chính sách "tách biệt nam giới và nữ giới".

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo đó, các gia đình bị chia cắt, nam và nữ được tập hợp vào các đơn vị riêng biệt theo giới tính và độ tuổi, sinh hoạt tại những khu vực tách biệt. Bất kỳ hành vi gặp gỡ riêng tư nào, dù là vợ chồng, đều bị trừng phạt bằng án tử hình.

Chính sách này thoạt nghe có vẻ hà khắc, lại góp phần giúp lực lượng nữ chiến binh của Thái Bình Thiên Quốc phát triển nhanh chóng. Đến khi chiếm được Nam Kinh vào tháng 3/1853, số lượng nữ chiến binh đã vượt quá con số 10 vạn. Dù vậy, không phải ai cũng trực tiếp cầm gươm ra trận. Bên cạnh những nữ tướng tài ba như Hồng Tuyên Kiều, Tô Tam Nương hay Hồ Cửu Muội, phần lớn nữ chiến binh đảm nhiệm các vai trò hỗ trợ và hậu cần quan trọng. Họ tận dụng lợi thế giới tính để trinh sát, liên lạc, thu thập tin tức hoặc tham gia vào việc vận chuyển vật tư, lương thảo và các hoạt động sản xuất thường nhật.

Tuy nhiên, chính sách "tách biệt nam nữ" khó lòng duy trì bền vững, đặc biệt khi chính những người lãnh đạo lại không làm gương. Trong giai đoạn quản lý chặt chẽ nhất, Hồng Tú Toàn đã nạp tới gần trăm phi tần, Đông Vương Dương Tú Thanh cũng có hơn 50 "vương nương". Sự bất nhất này đã gây ra làn sóng bất mãn trong nội bộ. Đến tháng 10/1854, chính sách này chính thức bị bãi bỏ, cho phép vợ chồng đoàn tụ và những người chưa kết hôn được tự do lập gia đình. Những phụ nữ còn độc thân trong các khu nhà nữ thậm chí còn được ban thưởng cho các công thần làm vợ lẽ. Triều đình còn lập ra các cơ quan chuyên trách việc hôn nhân, quan lại chỉ cần có "long phượng phê" (giấy phê chuẩn của vua) là có thể đến các khu nhà nữ để chọn vợ, tước đoạt hoàn toàn quyền lựa chọn của phụ nữ.

Năm 1864, khi Thiên Kinh thất thủ, khoảng 2000 nữ chiến binh cố thủ trong Thiên Vương phủ đã chọn con đường tự vẫn để bảo toàn khí tiết. Những người còn lại rơi vào tay quân Thanh, trở thành tù binh. Tuyệt đại đa số các nữ chiến binh thà chết chứ không chịu đầu hàng, tự kết liễu đời mình trước khi phải chịu đựng thêm những tủi nhục.

Dù Thái Bình Thiên Quốc từng hô hào khẩu hiệu "bình đẳng nam nữ", nhưng thực tế, những người phụ nữ tham gia cuộc khởi nghĩa này, dù là do tự nguyện hay bị ép buộc, cuối cùng vẫn khó tránh khỏi số phận bị xem như một vật sở hữu, bị chi phối và điều khiển. Khi khởi nghĩa sụp đổ, những nữ binh ấy cũng tan biến theo dòng lịch sử, để lại một trang sử bi tráng về những khát vọng dang dở và những hy sinh thầm lặng.

Theo Đời sống
back to top