Hỏi: Mẹ tôi bị bệnh đái tháo đường týp 2, được chỉ định dùng statin để trị rối loạn lipid máu. Dùng 1 thời gian bà nghe bạn bè đã bỏ dùng thuốc này. Xin hỏi, điều trị rối loạn lipid máu ở bệnh nhân đái tháo đường có tác dụng gì? Bỏ thuốc có hại gì không?
Nguyễn Thị Thành (Hà Nội)
TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai: Rối loạn lipid máu rất phổ biến ở các bệnh nhân đái tháo đường. Khoảng hơn 80% các bệnh nhân đái tháo đường týp 2 có tăng triglyceride, giảm HDL-C (mỡ tốt) và tăng nhiều LDL-C (mỡ xấu). Đây là nguyên nhân chính gây xơ vữa động mạch.
Các Hiệp hội như Hội Đái tháo đường Mỹ (ADA), Hội Tim mạch Mỹ (ACC), Hội Tim mạch châu Âu (ESC) đều nhấn mạnh các bệnh nhân đái tháo đường týp 2 cần được điều trị rối loạn lipid máu bằng thuốc statin với mục tiêu LDL-C < 1,8mmol/L, thậm chí < 1,4mmol/L khi đã có biến chứng tim mạch hoặc suy thận. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường có điều trị thuốc statin không cao và ước chừng chỉ 50% các bệnh nhân đạt được mục tiêu LDL-C.
Một nguyên nhân quan trọng khiến điều trị rối loạn lipid máu ở bệnh nhân đái tháo đường không tốt là bệnh nhân không hiểu các thuốc statin không chỉ làm giảm LDL-C mà còn có tác dụng làm giảm các biến chứng tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ và tử vong... nên thường tự bỏ thuốc. Vì vậy, thầy thuốc và gia đình nên thảo luận, giải thích kỹ cho bệnh nhân và cho họ dùng statin lại. Những bệnh nhân phải ngừng thuốc do có các tác dụng phụ trên gan và cơ thì khi dùng lại, có đến hơn 70% số bệnh nhân này sẽ dung nạp tốt hơn.
Các nghiên cứu cho thấy, cần tăng cường nỗ lực kiểm soát LDL-C, đặc biệt là ở những bệnh nhân có tăng LDL-C liên tục, bằng cách điều trị bằng statin cường độ mạnh sớm hơn.