Hỏi: Người nhà tôi bị đái tháo đường typ 1 có đường huyết cao và nhiều biến chứng nên muốn ghép tế bào gốc (từ nguồn là con) để điều trị có được không? Cách này có điều trị được khỏi bệnh không?
Nguyễn Thị Luyện (Hà Nội)
TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng Khoa Nội tiết – Đái Tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai: Ghép tụy hoặc ghép tế bào tiểu đảo tụy có thể điều trị triệt để đái tháo đường typ 1, tuy nhiên do thiếu nguồn cho nên hướng thay thế là ghép tụy dị loài hoặc ghép tế bào gốc.
Các chiến lược ghép tế bào gốc có thể là tế bào gốc đặc hiệu cho bệnh nhân hoặc các tế bào gốc dị sinh (từ người khác).
Trong phương pháp đầu, tế bào gốc của chính bệnh nhân được lập trình lại hoặc tái biệt hóa để trở thành tế bào beta sản xuất ra insulin.
Còn trong phương pháp sau, các tế bào dị sinh chung có thể được sử dụng cho nhiều bệnh nhân và được sản xuất tập trung từ ngân hàng tế bào gốc phôi người hoặc tế bào gốc đa năng cảm ứng chuyển thành tế bào beta.
Nhưng một yêu cầu quan trọng khi ghép tế bào gốc là phải bảo vệ được các tế bào này khỏi sự tấn công của hệ miễn dịch, hoặc bị đào thải và cả nguy cơ bị bệnh tự miễn dịch tái phát như cơ chế gây đái tháo đường typ 1 ban đầu.
Hiện nay, có 3 chiến lược đang được nghiên cứu: (1) sử dụng thuốc ức chế miễn dịch hoặc điều biến miễn dịch; (2) sử dụng hàng rào vật lý (ví dụ như vỏ bọc); và (3) chỉnh sửa gene để tránh và/hoặc được bảo vệ miễn dịch. Các nhóm nghiên cứu từ các Trường Đại học và từ các Công ty Dược đều đang theo đuổi những cách tiếp cận này và một số sản phẩm đang được thử nghiệm lâm sàng.
Trên đây là tóm tắt về hướng điều trị đái tháo đường typ 1 trong tương lai, được trích dẫn từ Hướng dẫn điều trị đái tháo đường typ 1 ở người trưởng thành của Hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) và Hội Đái tháo đường châu Âu (EASD) mới công bố tháng 9/2021.
Điều đó có nghĩa là những quảng cáo hiện nay về chữa khỏi bệnh đái tháo đường nói chung và đái tháo đường typ 1 nói riêng là không đúng. Người bệnh cần cảnh giác để tránh tiền mất tật mang.