Hơn 3 tháng nguy kịch chỉ vì mệt mỏi, sốt cao
Sáng 11/4, Bệnh viện Quân y 175 cho biết, bệnh viện vừa tổ chức thăm hỏi và chúc mừng bệnh nhân Đỗ Minh Vương (sinh năm 1997) – quân nhân thuộc Lữ đoàn 146, Quân chủng Hải quân đã ổn định bệnh và chính thức xuất viện sau gần ba tháng điều trị tích cực, chuyển về tuyến dưới tiếp tục theo dõi. Bệnh nhân trước đó được chuyển khẩn cấp từ đảo An Bang (huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa) về đất liền trong tình trạng rất nặng.
Trước đó, ngày 1/1/2025, khi đang làm nhiệm vụ tại đảo An Bang, bệnh nhân Vương xuất hiện các triệu chứng bất thường: mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, sốt cao 39,5°C, rét run và rối loạn tri giác. Tại Bệnh xá đảo, bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi viêm não – màng não, phân biệt với xuất huyết dưới nhện. Dù đã được hội chẩn từ xa qua hệ thống Telemedicine và phối hợp điều trị với các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 hai lần, nhưng tình trạng bệnh vẫn diễn tiến nặng.
Trước điều kiện điều trị hạn chế trên đảo và nguy cơ biến chứng nguy hiểm, ngày 3/1/2025, sau lần hội chẩn thứ 3, nhận định tình trạng của bệnh nhân diễn tiến xấu hơn, Bệnh viện Quân y 175 đã chủ động báo cáo và được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Quốc Phòng, Bệnh viện đã phối hợp binh đoàn 18 vận chuyển gấp bệnh nhân từ đảo An Bang bằng máy bay trực thăng về đất liền để điều trị.
![]() |
Bệnh viện Quân y 175 trao giấy ra viện cho bệnh nhân - Ảnh BVCC |
Ngay khi trực thăng hạ cánh tại Bệnh viện Quân y 175, các bác sĩ đã nhanh chóng tiếp nhận, triển khai cấp cứu và điều trị tích cực. Kết quả hội chẩn chuyên sâu xác định bệnh nhân mắc lao màng não – một bệnh lý nguy hiểm, diễn tiến nhanh, dễ tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề nếu không được xử trí kịp thời. Bệnh nhân được theo dõi và điều trị chuyên sâu tại Khoa Hồi sức tích cực (A12.1) và Khoa Truyền nhiễm (A4).
Là người trực tiếp tham vấn và theo dõi điều trị cho bệnh nhân, Bác sĩ CKII Nguyễn Phương Thảo – Phụ trách Chủ nhiệm Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Quân Y 175 cho biết: “Trong suốt hơn 3 tháng điều trị, bệnh nhân phải trải qua nhiều biến chứng nghiêm trọng: phù não và giãn não thất nặng phải can thiệp dẫn lưu hai lần, viêm phổi thở máy, nhiễm trùng tiết niệu tái đi tái lại…
Tuy nhiên, nhờ sự theo dõi sát sao, tinh thần trách nhiệm và trình độ chuyên môn cao của đội ngũ y bác sĩ, kết hợp với vật lý trị liệu phục hồi chức năng tích cực, bệnh nhân đã từng bước vượt qua giai đoạn nguy kịch. Sau 2 tháng rút ống mở khí quản (Shiley), hiện tại bệnh nhân đã hoàn toàn tự thở, tri giác hồi phục tốt và có thể tự đi lại được”.
![]() |
Bác sĩ CKII Nguyễn Phương Thảo dặn dò bệnh nhân trước khi xuất viện - Ảnh BVCC |
Chiếm 5% tổng số ca lao nhưng lao màng não tỷ lệ tử vong 70-80%
Các chuyên gia cho biết, bệnh lao nếu là lao phổi do vi khuẩn lao gây nên có thể lây lan qua không khí. Nếu bệnh không được chẩn đoán và chữa trị sớm thì thông qua con đường máu, vi khuẩn lao sẽ di chuyển đến những cơ quan khác và gây bệnh lao tại khu vực đó.
Màng não có cấu tạo là một lớp màng bao quanh não và tủy sống, vi khuẩn lao hoàn toàn có thể gây bệnh tại đây. Vi khuẩn lao sẽ khiến màng não bị tổn thương, khi ấy gọi là lao màng não hoặc viêm màng não do lao. Bệnh có thể đe dọa đến mạng sống của người bệnh nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.
Lao màng não thường có tốc độ diễn tiến chậm. Mọi người đều có nguy cơ bị mắc bệnh lao bao gồm cả bệnh lao màng não. Tuy nhiên căn bệnh này thường có ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đối với những người phải sống trong điều kiện thiếu thốn. Vì vi khuẩn lao lây lan qua đường hô hấp nên thường bắt gặp nhiễm trùng lao ở phổi, khoảng 1 - 2% ca bệnh nhiễm trùng tiến triển thành viêm màng não do lao.
Dù chỉ chiếm 5% tổng số các ca lao, nhưng lao màng não là thể lao ngoài phổi có tiên lượng nặng, tỷ lệ tử vong cao và thường để lại di chứng nặng. Nếu nhập viện muộn, tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân lao màng não lên đến 70-80%.
Những người còn sống, ít nhất có 20% tỷ lệ bệnh nhân phải chịu biến chứng lâu dài, nghiêm trọng bao gồm các tổn thương ở não, tê liệt, động kinh, điếc.... Bệnh có tỷ lệ tử vong khá cao (15 - 30%) mặc dù người bệnh đã được điều trị và chăm sóc tích cực.
Những biến chứng của viêm màng não do lao bao gồm: mất đi thị lực, thính lực, co giật cục bộ, tăng áp lực hộp sọ, tổn thương não, mô não, đột quỵ, tử vong.
Biến chứng tăng áp lực trong não là nguyên nhân khiến cho não bị tổn thương vĩnh viễn và không có cơ hội hồi phục. Nếu bệnh nhân thấy thị lực thay đổi kèm theo đau đầu thì cần phải đi khám bác sĩ chuyên khoa ngay vì đây có thể là triệu chứng của việc tăng áp lực trong não.
Có thể bắt gặp lao màng não ở mọi đối tượng với nhiều lứa tuổi khác nhau. Tuy nhiên, trẻ em từ 1 - 5 tuổi, người lớn từ 20 - 50 tuổi thường là đối tượng có nguy cơ cao.
Tỷ lệ nam giới bị lao màng não thường cao hơn so với nữ giới. Lao màng não để lại nhiều biến chứng nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong rất cao.
Phương pháp hữu hiệu nhất để đề phòng các bệnh do vi khuẩn lao, cụ thể là lao màng não đó là tiêm vắc xin.
Loại vắc xin phòng lao được sử dụng phổ biến hiện nay đó là vắc xin BCG có hiệu quả cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nó có tác dụng bảo vệ con người khỏi các dạng bệnh lao nặng, trong đó có lao màng não.