Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, nước này đã ghi nhận 2.322 ca mắc đậu mùa khỉ trong đợt bùng phát mới nhất. Tổng số ca bệnh trên toàn thế giới đã tăng lên tới 15.378 ca. Ngoài ra, 6 quốc gia đã báo cáo ca nhiễm bệnh đầu tiên vào tuần trước.
Ngày 21/7, Uỷ ban Khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhóm họp lần thứ 2 để xem xét việc có nên công bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ là khủng hoảng toàn cầu.
Tại cuộc họp, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói:“Tôi vẫn lo ngại về số ca bệnh ngày càng tăng và xuất hiện ở ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới. Ở một số quốc gia, số ca bệnh đã giảm.
Các quan chức châu Phi cho biết họ đang coi dịch bệnh ở lục địa này là tình trạng khẩn cấp. Nhưng các chuyên gia ở những nơi khác nói rằng phiên bản nhẹ hơn của bệnh đậu mùa khỉ ở châu Âu, Bắc Mỹ... cho thấy việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp là không cần thiết ngay cả khi không thể ngăn chặn được virus.
Các nhà phê bình lưu ý rằng việc Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA) đưa ra cảnh báo cho những người đồng tính nam và lưỡng tính về bệnh đậu mùa khỉ hồi tháng 5 đã dẫn đến sự hiểu lầm rằng căn bệnh này chỉ ảnh hưởng đến nhóm nam giới đồng tính.
Vì thế, những người có các triệu chứng chính nếu muốn được xét nghiệm cũng thường phải đáp ứng một số điều kiện (do cơ sở y tế đặt ra), như phải là nam giới có quan hệ tình dục đồng giới…
Tháng trước, CDC Mỹ đã ban hành hướng dẫn mới trong đó nêu rõ rằng đậu mùa khỉ không phải là bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI), nhưng có khả năng lây lan do tiếp xúc cơ thể trong khi quan hệ tình dục.
Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) cũng tuyên bố rõ ràng rằng “bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh đậu mùa ở khỉ, mặc dù hiện tại hầu hết các trường hợp được ghi nhận ở nhóm nam giới đồng tính, song tính hoặc có quan hệ tình dục với nam giới. Vì vậy, quan trọng là phải nhận biết các triệu chứng nếu bạn thuộc các nhóm này.”
Đậu mùa khỉ vốn là virus đặc hữu ở Tây Phi, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1971 và thường lây lan bằng cách tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh trên da.
Không có trường hợp tử vong nào được ghi nhận do bệnh đậu mùa ở khỉ ở các quốc gia giàu có, nhưng ở Tây Phi, một số chủng virus có thể có tỷ lệ tử vong lên tới 10%.
Paul Hunter, Giáo sư Y khoa tại Đại học East Anglia của Anh, người trước đây đã tư vấn cho WHO về các bệnh truyền nhiễm cho biết: “Những gì đang xảy ra ở châu Phi gần như hoàn toàn tách biệt với đợt bùng phát ở châu Âu và Bắc Mỹ."
Virus đậu mùa khỉ sẽ ủ bệnh trong khoảng từ 5 đến 21 ngày. Các triệu chứng của bệnh tương tự đậu mùa, tuy nhiên các vết mủ thường ít hơn, và các hạch bạch huyết của bệnh nhân thường sưng lên. Các triệu chứng khác bao gồm sốt, nhức đầu, đau cơ.
Các triệu chứng có thể tồn tại hơn 4 tuần nhưng thường biến mất sau 2 tuần. Sẹo do các vết thương là phổ biến.
Placide Mbala, một nhà dịch tễ học tại Viện Nghiên cứu Y sinh Quốc gia Congo cho biết, cũng có những khác biệt đáng chú ý giữa bệnh nhân ở châu Phi và phương Tây. “Ở Congo, các bệnh nhân thường tiến triển nhanh chóng, sau 3 đến 4 ngày, những tổn thương đã có thể nhìn thấy được ở những người mắc bệnh đậu mùa khỉ."
Những người có nhiều vết thương như vậy khó có thể ra ngoài, do đó ngăn ngừa lây truyền thêm. Nhưng ở các quốc gia bao gồm Anh và Mỹ, các bác sĩ đã quan sát thấy một số người bị nhiễm bệnh chỉ có 1 hoặc 2 vết thương, thường ở bộ phận sinh dục.
Mbala cho biết các phương pháp tiếp cận khác nhau ở các quốc gia khác nhau có thể sẽ cần thiết để ngăn chặn sự bùng phát toàn cầu, trong khi việc áp dụng một chiến lược ứng phó duy nhất trên toàn thế giới, như đối với Ebola và COVID-19, có thể sẽ là một thách thức.
Dimie Ogoina, Giáo sư Y khoa tại Đại học Niger Delta của Nigeria lo ngại việc nguồn cung vắc xin hạn chế sẽ một lần nữa dẫn đến kịch bản nảy sinh trong đại dịch COVID-19, khi các nước nghèo hơn phải chịu trắng tay trong khi các nước giàu tích trữ quá nhiều vắc xin.
Việc tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp toàn cầu cũng có thể vô tình làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng về vắc xin, bất chấp mức độ nhẹ của căn bệnh này ở hầu hết các quốc gia.