Huyết tương, tế bào gốc điều trị bệnh nhân Covid-19

(khoahocdoisong.vn) - Thủ tướng Phạm Minh Chính có yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu kiến nghị về 2 phương pháp truyền huyết tương và tế bào gốc trung mô từ dây rốn của AHLĐ.GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, cho bệnh nhân Covid-19 nặng. Cả hai phương pháp này đều đã có sẵn.

Suy hô hấp, suy đa tạng - nguyên nhân chính gây tử vong 

Trao đổi với phóng viên KH&ĐS, AHLĐ.GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tế bào gốc và công nghệ Gen Vinmec cho biết, bệnh nhân Covid-19 chuyển nặng vẫn là một thách thức không chỉ cho y tế Việt Nam mà cho toàn thế giới. Nhiều bệnh nhân nặng không đáp ứng phương pháp điều trị truyền thống nên cần nghiên cứu áp dụng các phương pháp điều trị mới, trong đó có truyền huyết tương của người bệnh đã phục hồi và truyền tế bào gốc.

 Truyền huyết tương của người bệnh đã hồi phục có nồng độ kháng thể cao cho các bệnh nhân có nguy cơ chuyển nặng là phương pháp không mới, không đắt tiền, nhiều nước đã áp dụng trong các đợt bùng phát dịch.

Truyền tế bào gốc cho bệnh nhân suy hô hấp để ngăn chặn cơn bão cytokine, nguyên nhân chính gây tử vong ở bệnh nhân Covid-19 là phương pháp đã được chứng minh an toàn. Một số nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy truyền tế bào gốc đã làm cho tỷ lệ sống tăng cao gấp 2,5 lần.

te-bao-goc-covid.jpg
Tế bào gốc dây rốn được lấy tại Trung tâm Tế bào gốc Vinmec.

Theo AHLĐ.GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, suy hô hấp cấp (ARDS), suy đa phủ tạng là nguyên nhân chính gây tử vong ở bệnh nhân Covid-19. Toàn bộ hệ miễn dịch của cơ thể đã được khởi động sau khi virus xâm nhập với mục đích ban đầu là tiêu diệt virus. Tuy nhiên, ở một số người, hệ miễn dịch đã “năng nổ” quá mức cần thiết tiết ra một số lượng rất lớn các chất được gọi là cytokine tạo nên cơn bão. Cùng với các yếu tố khác, cơn bão cytokine là tác nhân quan trọng gây ARDS. Nghiên cứu cho thấy, 67 - 85% bệnh nhân Covid-19 nặng bị ARDS. 61,5% tử vong là do ARDS.

ARDS vẫn được điều trị bằng thở máy, thuốc kháng viêm liều cao (corticoid)... nhưng trong ARDS do Covid-19 liều cao corticoid không những không ức chế được phản ứng miễn dịch bất lợi mà còn gây nhiều tác hại.

Đã có sẵn

Với khả năng điều hòa miễn dịch, khả năng giúp nuôi dưỡng, hồi phục các tế bào đường hô hấp, tế bào gốc trung mô đã được sử dụng trong 70 thử nghiệm tiền lâm sàng lâm sàng và nhiều nghiên cứu trên người. Kết quả từ các nghiên cứu cho thấy, tế bào gốc đã giảm tỷ lệ bệnh nhân nặng, tỷ lệ tử vong và rút ngắn thời gian nằm viện. Nghiên cứu tại Indonesia gần đây cho thấy truyền tế bào gốc đã làm tăng tỷ lệ sống lên 2,5 lần ở bệnh nhân có ARDS. Tại Việt Nam, Bệnh viện Vinmec, Bệnh viện Vạn Hạnh và một số bệnh viện khác đã có kinh nghiệm sử dụng tế bào gốc trung mô dây rốn cho bệnh phổi tắc nghẽn và có khả năng sản xuất tế bào gốc trung mô dây rốn với số lượng lớn. Rất mong phương pháp này sớm được nghiên cứu, áp dụng và đánh giá hiệu quả tại Việt Nam với hy vọng có thể góp phần giảm thấp tỉ lệ tử vong cho bệnh nhân Covid-19.

Về truyền huyết tương của người đã phục hồi cho bệnh nhân khác đã được sử dụng từ lâu trong dịch cúm ở Tây Ban Nha (1918 - 1920) và nhiều vụ dịch khác như dịch Ebola, MERS-CoV, cúm H1N1... Kết quả nghiên cứu tổng quan cho thấy, truyền huyết tương của người hồi phục có thể giảm đáng kể tỷ lệ tử vong. Với bệnh nhân Covid-19 cũng đã có nhiều báo cáo, trong đó có nghiên cứu của Libster với 160 bệnh nhân công bố trên Tạp chí Y học danh tiếng New England Journal of Medicine tháng 6/2021 cho thấy, truyền sớm huyết tương của người hồi phục có hiệu giá kháng thể cao có thể ngăn chặn diễn biến nặng của bệnh nhân Covid-19 cao tuổi, số bệnh nhân chuyển nặng ở nhóm truyền huyết tương giảm có ý nghĩa so với nhóm không truyền. Không có biến chứng nào liên quan đến truyền huyết tương.

Tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu tế bào gốc và công nghệ Gen Vinmec đã phối hợp với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư tiến hành lấy mẫu huyết tương có đủ tiêu chuẩn và dự trữ từ năm 2020. Một thành viên nhóm nghiên cứu tại Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư cho biết: Nếu tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của nghiên cứu thì nhóm có thể triển khai lấy thêm huyết tương, chọn bệnh nhân đủ tiêu chuẩn để điều trị. Quan trọng ở đây là bệnh nhân đủ tiêu chuẩn vì bản chất sử dụng huyết tượng như sử dụng thuốc, phải chỉ định đúng ca bệnh.

Sử dụng laser cải thiện oxy phổi bệnh nhân Covid-19

TS Trần Ngọc Liêm, nguyên Giám đốc Trung tâm Công nghệ laser, Viện Ứng dụng Công nghệ (Bộ KH&CN) cho biết, phương pháp này sẽ thử nghiệm lâm sàng sử dụng laser màu đỏ với 3 mức công suất 5mW-35mW-50mW và đèn LED 830nm mW chiếu mạch máu và da vùng phổi (không xâm lấn) để nghiên cứu hiệu quả điều trị. Các laser ánh sáng đỏ và vùng hồng ngoại gần được hấp thu bởi sắc thể là cytochrome c oxidase dẫn đến tăng tổng hợp protein, dịch chuyển tế bào, tăng sinh tế bào, bảo vệ tế bào.

Theo Đời sống
back to top