Dùng tế bào gốc chữa ung thư, chống lão hóa, điều trị suy phổi do Covid-19

(khoahocdoisong.vn) - Các nhà khoa học kỳ vọng trong tương lai không xa, công nghệ tế bào gốc (TBG) sẽ bùng nổ, thay đổi toàn bộ nền y học thế giới, nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như kéo dài tuổi thọ loài người. Mới đây, các bác sĩ đã ứng dụng TBG màng dây rốn trong điều trị suy phổi do Covid-19. PGS.TS.BS Phan Toàn Thắng, người Việt Nam đầu tiên sở hữu bằng độc quyền sáng chế về công nghệ tách chiết TBG từ màng dây rốn đã có cuộc trao đổi với phóng viên KH&ĐS về những thành tựu này.
PGS.TS.BS Phan Toàn Thắng.

PGS.TS.BS Phan Toàn Thắng.

Tiềm năng vô cùng to lớn

Y học ngày càng khám phá ra những tác dụng tuyệt vời của TBG. Hiện PGS đang triển khai TBG trong nghiên cứu chữa trị như thế nào?

Hiện nay, chúng tôi đang triển khai sản phẩm trị liệu vết thương khó liền biến chứng của bệnh tiểu đường. Tiểu đường là một bệnh phổ biến trong quá trình lão suy trên toàn thế giới với biến chứng loét bàn chân. Hiện chưa có biện pháp nào chữa khỏi ngoài trị liệu TBG từ da hoặc màng dây rốn trong tương lai. Ứng dụng TBG bôi ngoài da không xâm lấn tiêm chọc nên rất an toàn. Ứng dụng này mang lại giá trị tiềm năng kinh tế khổng lồ nên rất nhiều quốc gia quan tâm. Tuần này tôi có hội đàm với cơ quan quản lý của Anh và Nhật Bản. Họ quan tâm và mong muốn sớm triển khai ứng dụng.

Ngoài ra, còn ứng dụng khác trong điều trị pakinson, lupus, ung thư... chúng tôi đang làm từng bước. Cách đây 2 năm, Chính phủ Singapore đã cấp cho kinh phí nghiên cứu khoảng 160 tỷ đồng để thực nghiệm trên vượn, trước khi triển khai thí nghiệm trên người. Riêng bệnh lupus thì đã có nhiều thành công trên động vật, đang tìm kiếm nguồn kinh phí để làm trên người. Nghiên cứu là một cuộc chiến lâu dài cần thời gian, kinh phí...

Được biết, ông đã thành công trong ứng dụng tế bào gốc chống lão hóa cách đây chục năm...

Ứng dụng TBG chống lão hóa rất rộng. Phổ biến là chống lão hóa trên da, dưới dạng tái tạo da. TBG từ dây rốn tiết ra các sinh chất, dưỡng chất tốt nhất giúp tái tạo da chúng tôi đã có nhiều sản phẩm ứng dụng thành công trên thế giới và Việt Nam. Còn ứng dụng chống lão hóa toàn thân, chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu. Nghiên cứu này cũng đang được nhiều quốc gia tiên tiến triển khai. Nguyên lý cơ bản là khi cấy TBG màng dây rốn vào thì sẽ duy trì sự trẻ hóa và tăng cường sự tái tạo của lục phủ ngũ tạng trong cơ thể. Rất khả thi nhưng phải nghiên cứu đường dài rất lớn, chưa thể nói gì lúc này.

Nhưng cũng nói thật là gần đây tôi đã tự tiêm tế bào gốc cho mình và những người thân trong gia đình để tìm hiểu về tác dụng chống lão hóa và thải loại miễn dịch. Tôi tiêm liên tục 6 tháng một lần trong 2 năm qua nhưng không thấy vấn đề gì, ngủ ngon, các biểu hiện khác thì chưa dám kết luận. Quan trọng là không thấy gây hại gì.

Còn với bệnh ung thư thì sao?

Trong điều trị ung thư, TBG từ máu dây rốn, tủy xương đã được cấp phép thành công khá phổ biến rồi, dùng rất nhiều cho điều trị ung thư máu. Còn ung thư tạng đặc thì chúng tôi đang triển khai 2 loại. Loại thứ nhất là từ TBG dây rốn chuyển thành tế bào gốc đa năng iPSC (Induced Pluripotent Stem Cells), từ đó tạo ra các tế bào miễn dịch tiêu diệt ung thư và các nhiễm khuẩn. Loại thứ hai chúng tôi đang triển khai là dùng các TBG trung mô dây rốn như một loại bom thông minh. TBG trung mô có khả năng di chuyển đến các vùng bị tổn thương hỗ trợ tái tạo. Khi cơ thể bị tổn thương sẽ hút các tế bào đến tái tạo. Chúng ta gắn các hóa chất chống ung thư vào TBG trung mô. Các TBG này sẽ mang các chất chống ung thư tiêu diệt trúng đích. Ung thư mô tạng đặc thực chất là một tổn thương do chính tế bào ung thư gây ra. Chúng tôi đã triển khai cách đây 2 năm và đã thử nghiệm thành công trên chó, mèo. Trên người cần thời gian thêm nữa.

Tác dụng tốt trong điều trị suy phổi do Covid-19

Thế giới đang trải qua đại dịch Covid-19 với hàng triệu người tử vong, hàng trăm triệu ca suy phổi. Tiềm năng ứng dụng TBG dây rốn trong điều trị suy phổi do Covid-19 như thế nào thưa PGS?

Câu hỏi rất hay! Từ đợt Covid-19 năm ngoái, nhiều trung tâm y học trên toàn thế giới như Trung Quốc, Isarael, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Mexico, Indonesia, Ấn Độ... đã dùng TBG dây rốn điều trị cho các bệnh nhân suy phổi nặng. Ngày 17/7, tôi tham gia diễn đàn cùng hơn 300 giáo sư, bác sĩ Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản. Kết quả rất khả quan, một số đã đăng trên một số tạp chí y học thế giới.

Cơ chế điều trị rất đơn giản. TBG trung mô có khả năng tái tạo, đàn áp, ức chế các độc tố viêm. Một số nhóm thử nghiệm truyền TBG vào tĩnh mạch, một số khác bơm qua khí quản. Các độc tố viêm trong nhiễm Covid-19 là do virus hủy một lượng tế bào rất lớn giải phóng độc tố viêm ra ào ạt một lúc dẫn đến bệnh nhân bị phù phổi, suy đa phủ tạng và nguy cơ tử vong. Ngoài các điều trị truyền thống như corticoid, các chất chống viêm, lọc thận, hô hấp nhân tạo... thì TBG tham gia vào quá trình ức chế các độc tố viêm.

Cơ chế sinh học của TBG là tiết ra các chất chống viêm và ức chế thải loại miễn dịch thêm vào đó khả năng rất lớn trong tái tạo. Các thuốc Tây y đương đại có khả năng ức chế, chống viêm mạnh nhưng không có khả năng tái tạo, phục hồi các mô tạng đã bị tổn thương. Vì vậy, TBG có tác dụng tốt trong điều trị suy phổi do Covid-19. Tất nhiên phải làm nghiên cứu đầy đủ bài bản để được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép thương mại. Các nước thành công trong nghiên cứu lâm sàng, được phép sử dụng tạm thời trên người đã là một bước tiến rất lớn rồi. Thành công này tiếp tục mở ra chân trời mới về những ứng dụng tiềm năng của TBG dây rốn.

PGS có thể chia sẻ nguồn TBG màng dây rốn trong các sản phẩm lấy từ đâu?

Theo tiêu chuẩn FDA là lấy từ người cho tự nguyện, phải đảm sạch, không bệnh. Các nước có Ủy ban Y đức thông qua. Họ hợp đồng với bệnh nhân. Trong vòng 60 ngày người tặng dây rốn có quyền từ chối. Nếu họ không từ chối thì sau 60 ngày sau các các cơ sở nuôi cấy có quyền sử dụng. 1 dây rốn có thể tách chiết được 6 - 7 tỷ tế bào gốc và sẽ được nuôi cấy nhân bản. Chỗ chúng tôi thu thập là một trong những ngân hàng TBG dây rốn lớn nhất của Mỹ có lịch sử hơn 20 năm. Họ thu máu dây rốn dùng cho các bệnh nhân thiếu máu. Đây là nguồn tài nguyên vô tận trên thế giới từ “rác thải y tế”. Thế nên đồng nghiệp gọi đùa tôi là “biến rác thành vàng”.

TBG tiềm năng là rất lớn nhưng y học Việt Nam vẫn chưa có nhiều nghiên cứu?

Nhiều bác sĩ trong nước cũng nhiệt tình triển khai, nhưng tôi đã nói rất nhiều lần, đây là cuộc chơi dành cho những quốc gia giàu, có tiềm lực kinh tế, nhân lực, hệ thống pháp lý chuẩn mực... Ngay cả Singapore mặc dù tiềm năng rất lớn, nhưng cũng chỉ dừng ở nghiên cứu tiền lâm sàng. Nghiên cứu lâm sàng trên người chúng tôi vẫn phải mang qua Mỹ để theo chuẩn FDA. 

Tôi có may mắn là Chính phủ Singapore dành rất nhiều ngân sách đầu tư cho lĩnh vực TBG. Từ năm 2004 đến nay nhóm nghiên cứu của tụi tôi chi tiêu gần trăm triệu đô la Mỹ cho số liệu khoa học cơ bản. Sau này dùng số liệu đó để nghiên cứu trên người phải tiếp tục kêu gọi vốn từ các quỹ đầu tư. Lộ trình khoảng 2 năm nữa Công ty CellResearch Corporation Pte Ltd của chúng tôi sẽ lên sàn ở New York kêu gọi vốn từ thị trường chứng khoán để tiếp tục chi tiêu cho nghiên cứu. Hiện công ty đã được định giá 700 triệu đô la Mỹ.

Có nhận định cho rằng, trong tương lai không xa, công nghệ TBG sẽ bùng nổ, thay đổi toàn bộ nền y học thế giới và chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ loài người. PGS có cho rằng điều đó rất khả thi?

Chúng ta sinh ra từ đâu? Cơ thể chúng ta bắt đầu chỉ từ TBG. TBG là tế bào vạn năng. Tuy nhiên, mọi bệnh tật cũng từ tế bào mà ra. Tế bào cũng có thể gây hại nên chúng ta phải nghiên cứu cơ bản hết sức chuẩn mực để có được câu trả lời tốt và cơ sở khoa học vững chắc, chế tạo các thuốc TBG tiên tiến an toàn và hiệu quả cho bệnh nhân. Nhận định trên là chính xác và rất khả thi nhưng phải có thời gian.

Xin cảm ơn PGS!

PGS.TS.BS Phan Toàn Thắng tốt nghiệp Học viện Quân y năm 1991. Từ 1991 - 1996, ông công tác tại Viện Bỏng Quốc gia. Từ năm 1997, ông sang làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Singapore. Từ năm 2002 - 2004, ông công tác tại Hagey Laboratory về Y học tái tạo, Đại học Stanford (Mỹ). Từ 2005 đến nay là cán bộ giảng dạy tại Đại học Quốc gia Singapore. PGS.GS.BS Phan Toàn Thắng là người đầu tiên trên thế giới sở hữu bằng độc quyền sáng chế về công nghệ tách chiết tế bào gốc từ màng dây rốn, do Cục Sáng chế và Bảo vệ thương hiệu Hoa Kỳ (USPTO) cấp. Sáng chế được bảo hộ độc quyền tại 47 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có nhiều nền y học phát triển như Hoa Kỳ, Đức, Anh, Nhật Bản, Singapore...

PGS.TS.BS Phan Toàn Thắng kiểm tra chất lượng sản phẩm.

PGS.TS.BS Phan Toàn Thắng kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Trong gần 65 năm qua, với đội ngũ phóng viên và cộng tác viên đông đảo là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, Khoa học và Đời sống đã có nhiều bài viết ấn tượng, làm nên thương hiệu, tên tuổi của tờ báo khoa học hàng đầu.
back to top