Chống nắng và sử dụng kem chống nắng

Mặc dù bạn nên sử dụng kem chống nắng mỗi ngày quanh năm, nhưng điều đó càng trở nên quan trọng hơn vào mùa hè.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Vào những ngày hè, các ngày dài hơn, ánh nắng mặt trời mạnh hơn và bạn dành nhiều thời gian tham gia hoạt động ngoài trời hơn.

Chống nắng cho mọi người, cho mọi loại da

Tia cực tím có trong ánh sáng mặt trời, thậm chí tồn tại ngay cả khi trời râm mát và có mây. Vì vậy, chống nắng cần thực hiện mỗi ngày. Nồng độ tia cực tím nhiều nhất từ 10h sáng - 16h chiều.

kem-chong-nang.jpg

Đây là khoảng thời gian không thích hợp cho các hoạt động ngoài trời có nắng gắt. Do đó, nếu chúng ta cần phải hoạt động thì phải bảo vệ da đúng cách.

“Trong trường hợp không đi biển, chúng ta cần mặc áo dài tay, quần dài. Ngoài bảo vệ khỏi bị côn trùng đốt, áo dài tay còn có thể giúp da chống ánh sáng mặt trời. Đội nón rộng vành, khẩu trang, kính mát có phủ lớp chống lại tia UV.

Nhờ đó, chúng ta bảo vệ chống lão hóa da xung quanh vùng mắt, bảo vệ thị lực vì chói nắng lâu ngày sẽ đẩy nhanh quá trình đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng”, TS.BS Nguyễn Thị Hồng Chuyên, giảng viên Bộ môn Da liễu, Đại học Y Dược TPHCM, Trưởng Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM), hướng dẫn.

Ở nhiều quốc gia, kem chống nắng được khuyến cáo sử dụng cho cả trẻ em, ngay từ khi trẻ bắt đầu biết đi và tham gia hoạt động ngoài trời.

Bác sĩ chuyên khoa da liễu khuyến nghị, kem chống nắng dùng càng sớm càng tốt. Trẻ em được dùng kem chống nắng phù hợp và đúng cách về sau sẽ đỡ lão hóa da và giảm nguy cơ mắc ung thư da.

kem-chong-nang-cho-tre-em.jpg
Kem chống nắng tốt nhất cho trẻ em nên có SPF ít nhất 30 - 50 và có dòng chữ trên bao bì “kids” hoặc “children”.

Chúng ta cần thoa kem chống nắng 30 phút trước khi ra nắng, thoa kem chống nắng sau khi thoa kem dưỡng ban ngày; lặp lại thoa kem chống nắng mỗi 2 - 3h/lần.

Chọn kem chống nắng có khả năng bảo vệ “phổ rộng” với các ký hiệu như SPF và PA. Kem chống nắng có nhãn này bảo vệ chống lại cả tia UVA và UVB.

Tất cả các sản phẩm kem chống nắng đều cần bảo vệ khỏi tia UVB, nguyên nhân chính gây cháy nắng và ung thư da và bảo vệ chống lại tia UVA là thủ phạm gây ra ung thư da và lão hóa sớm.

Đảm bảo kem chống nắng của bạn có chỉ số chống nắng (SPF) từ 30 - 50 là tốt nhất. Chỉ số SPF là mức độ bảo vệ mà kem chống nắng cung cấp chống lại tia UVB.

Kem chống nắng SPF 15 lọc khoảng 93% tia UVB, trong khi kem chống nắng SPF 30 lọc khoảng 97%, kem chống nắng SPF 50 khoảng 98% và SPF 100 khoảng 99% . Trong khi đó, chỉ số PA phải từ (++) trở lên. 

“Kháng nước” (water resistant) hoặc (waterproof): Nếu kem chống nắng tuyên bố có khả năng chống nước, nhãn đó phải ghi rõ liệu sản phẩm có thể kéo dài trong 40 phút hay 80 phút khi bơi hoặc đổ mồ hôi.

Để có kết quả tốt nhất, hãy thoa lặp lại kem chống nắng ít nhất 2 giờ một lần và thậm chí thường xuyên hơn mỗi 30 phút đến 1 tiếng nếu bạn đang bơi hoặc đổ mồ hôi nhiều. Kem chống nắng thường trôi đi khi bạn đổ mồ hôi nhiều hoặc lau khô người, vì vậy, bạn sẽ cần thoa thêm.

- Chọn kem chống nắng có thương hiệu uy tín. Thương hiệu uy tín đảm bảo chất lượng, thường có các bằng chứng một cách khoa học để chứng minh hiệu quả bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời của sản phẩm đó và an toàn cho người tiêu dùng, không gây kích ứng, dị ứng, không gây mụn.

- Chọn mua kem chống nắng ở nhà phân phối uy tín để tránh mua phải hàng giả; hơn thế nữa đảm bảo có kho để bảo quản hàng không bị biến tính.

- Thoa kem chống nắng vùng mặt, đừng quên vùng sau tai, vùng cổ trước và vùng cổ sau, các vùng da hở bên ngoài quần áo như vùng trước ngực, bàn tay.

- Sử dụng kem dưỡng môi có chất chống nắng để tránh tình trạng viêm môi do ánh sáng, dẫn đến lão hóa môi và vùng quanh môi.

- Trong bước làm sạch da buổi tối, bắt buộc chúng ta phải tiến hành tẩy trang và rửa mặt sau khi dùng kem chống nắng.

Chọn kem chống nắng phù hợp từng loại da

Làm sao để chọn kem chống nắng theo loại da của bạn là một câu hỏi rất phổ biến. Khi chọn kem chống nắng, hãy xem xét da của bạn thuộc loại nào.

Với làn da khô, bạn cần loại kem chống nắng có kèm công dụng dưỡng ẩm như moisturizer, với SPF 30.

Nếu bạn có làn da nhờn (dầu), dễ bị mụn trứng cá, chúng ta nên chọn kem chống nắng dạng lotion hoặc gel và hoặc có chữ “oil free” hoặc “non-comedogenic” – không gây nhân mụn; chọn sản phẩm gốc nước thay vì gốc dầu.

Nếu da nhạy cảm và dễ bị kích ứng, hãy chọn các loại kem chống nắng vật lý và nên chọn chế phẩm dạng gel. Sản phẩm loại này nhẹ, mỏng, ít gây nhờn rít trên da; tránh các sản phẩm có chứa cồn, chất bảo quản, nước hoa và oxybenzone.

Tuy nhiên, nếu da bị mụn, da nhạy cảm, hoặc da có bệnh lý như trứng cá đỏ, trước khi sử dụng kem chống nắng, người bệnh cần đi khám để được bác sĩ tư vấn loại kem chống nắng thích hợp.

cac-loai-kem-chong-nang.jpg
Bác sĩ chuyên khoa da liễu khuyến nghị, kem chống nắng dùng càng sớm càng tốt.

Kem chống nắng tốt nhất cho trẻ em nên có SPF ít nhất 30 - 50 và có dòng chữ trên bao bì “kids” hoặc “children”.

Chọn kem chống nắng dành riêng cho trẻ em vì kem chống nắng dành cho người lớn có thể gây viêm da kích ứng đối với làn da dịu nhẹ của trẻ. Trẻ nhỏ thậm chí cần được bảo vệ chống nắng mạnh hơn, vì da của chúng mỏng hơn và nhạy cảm hơn.

Một trong những điều quan trọng nhất khi chọn kem chống nắng là thành phần. Có hai loại kem chống nắng: hóa học và vật lý.

Các thành phần chống nắng hóa học, chẳng hạn như PABA (axit para-aminobenzoic) và cinnamates, hấp thụ tia UV và chuyển đổi bức xạ mặt trời bên trong da. Trong khi kem chống nắng vật lý (chẳng hạn như oxit kẽm và titanium dioxide) làm chệch hướng và phân tán các tia trước khi chúng xâm nhập vào da của bạn.

Với làn da nhạy cảm, các chuyên gia da liễu khuyến nghị nên dùng kem chống nắng vật lý vì dạng kem hóa học có thể gây kích ứng.     

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top