Ung thư da ngày càng trẻ hóa

Ung thư da thường gặp ở người già và 95% gặp ở vùng da hở, trong đó, vùng mặt chiếm tới 90%. Tuy nhiên, hiện bệnh đang có chiều hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa, xuất hiện cả ở lứa tuổi 20 - 30...

Ung thư da là một trong các ung thư thường gặp, dễ chẩn đoán, có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm. Tuy nhiên, đa phần người bệnh chủ quan với những tổn thương thường gặp ở da nên bỏ qua dẫn tới di căn. Sàng lọc, phát hiện sớm ung thư da làm giảm tỷ lệ tử vong, tránh được các biến dạng, tàn phế.

U “ăn hết” cả miệng, mũi, mặt...

Bà L.T.N. (93 tuổi, Thanh Hóa) nhập viện trong tình trạng K da sùi loét tạo thành nhiều hoa lơ trên môi, xâm lấn má, mũi và xuống cằm cùng di căn hạch cổ. Trước đó, 6 năm bà cũng đã phẫu thuật, bệnh tái phát bà không điều trị khiến khối u to. Các bác sĩ đã phải phẫu thuật cắt khối u, xương hàm và tạo hình lại môi, mặt cho bà.

ung-thu-da-vung-dau-mat-co5.jpg
Biểu hiện ung thư da ở môi của bệnh nhân.

Còn bệnh nhân V.A.S. (sinh năm 1976, Điện Biên) thì chỉ có một nốt ngứa nhỏ sau chẩm. Sau đó thấy vết loét điều trị không đỡ và ngày càng ăn sâu, bệnh nhân đi khám được kết luận ung thư vùng chẩm T3NOMO, được xử trí cắt rộng u và tạo hình. Giải phẫu bệnh là thể carcinoma tế bào đáy.

ung-thu-da-vung-dau-mat-co-1.jpg
Ung thư da vùng chẩm tế bào đáy.

Trao đổi với phóng viên, ThS.BSCKII Nguyễn Văn Dũng, Khoa Phẫu thuật đầu mặt cổ, Bệnh viện K T.Ư cho biết, bệnh nhân trên vẫn còn rất may mắn vì u chưa có xâm lấn xương và di căn xa. Nhiều người đến muộn u xâm lấn vào sọ não, di căn khắp nơi. Có người u ăn hết miệng, mũi, má và phá hỏng cả một bên mắt...

Theo ThS.BSCKII Nguyễn Văn Dũng, ung thư da đứng hàng thứ 8/10 loại ung thư thường gặp với tỷ lệ trung bình 2,9 - 4,5 ca/100.000 dân. Bệnh thường gặp ở người già và 95% gặp ở vùng da hở, trong đó, vùng mặt chiếm tới 90%. Điều đáng lo ngại là bệnh đang có chiều hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa, xuất hiện cả ở lứa tuổi 20 – 30...

ung-thu-da-vung-dau-mat-co-6.jpg
Ung thư da xâm lấn nhiều bộ phận trên mặt của bệnh nhân.

Đa phần đến viện muộn và nhiều người thành tàn phế

ThS.BSCKII Nguyễn Văn Dũng cho biết, ung thư da (không tính ung thư hắc tố), xuất phát từ biểu mô da che phủ mặt ngoài cơ thể gồm 7 lớp tế bào. Lớp tế bào đáy sinh ra ung thư tế bào đáy, lớp tế bào vẩy sinh ra ung thư da biểu mô vẩy. Các tuyến phụ thuộc của da như tuyến mồ hôi, tuyến bã sinh ra ung thư tuyến bã, tuyến mồ hôi.

Ung thư da tế bào đáy phổ biến ở vùng mặt chiếm 65% tổng số các ung thư da, hay gặp ở vùng mặt, mũi, má, thái dương. U khởi đầu là một vết loét nhỏ, có bờ, đáy nhẵn, đóng vẩy, phía dưới thấy giãn mao mạch... Vết loét thường xuất hiện từ mụn cơm, nốt ruồi, nốt sơ da nhiễm sắc... dễ bị chẩn đoán nhầm với u nhú, mụn cơm, nốt ruồi, u máu nhiễm trùng, loét mạn tính. Đặc điểm của ung thư da tế bào đáy là phát triển chậm, hầu như không có di căn hạch, không di căn xa, tiên lượng tốt.

ung-thu-da-vung-dau-mat-co-7.jpg
ThS.BSCKII Nguyễn Văn Dũng thực hiện phẫu thuật tạo hình cho bệnh nhân ung thư da.

Ung thư da tế bào vẩy xuất phát từ lớp tế bào vẩy, ung thư này hay xuất hiện trên nền sẹo cũ, sẹo bỏng vôi, sẹo bỏng do cháy xăng dầu hay gặp ở vùng tứ chi và đầu, chiếm 2% trong số các loại ung thư da.

Đặc điểm ung thư da tế bào vẩy là phát triển nhanh, u càng lớn càng dễ loét, sùi như súp lơ, mùi hôi khó chịu và lan rộng, xâm lấn sâu. Vùng mặt có thể làm lộ xương sọ, xương mặt, gây biến dạng và bội nhiễm trầm trọng. Ở tay chân có thể làm rụng ngón.

Ngoài di căn hạch, ung thư da tế bào vẩy còn di căn theo đường máu vào phổi, xương, não, gan...

Ung thư tuyến phụ thuộc da xuất phát từ tế bào của tuyến mồ hôi hoặc tuyến bã. Vị trí hay gặp ở vùng da đầu chiếm 10% trong tổng số các ung thư da. Đặc điểm ung thư tuyến phụ thuộc da là phát triển nhanh, hay di căn hạch, di căn xa, tiên lượng xấu.

Theo ThS.BSCKII Nguyễn Văn Dũng, ung thư da dễ chẩn đoán, có thể điều trị khỏi bệnh hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và phẫu thuật cắt bỏ rộng tổn thương, tạo hình kèm xạ trị hỗ trợ. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân thường đến muộn từ 3 - 20 năm, rất hiếm trường hợp bệnh nhân nhập viện trước 6 tháng.

Người bệnh thường tự điều trị ở nhà do thấy bệnh tiến triển chậm, không đau. Vì thế, mức độ phẫu thuật cắt bỏ thường rộng hơn vùng đầu - cổ. Đặc biệt, với loại ung thư ở thân và chi, khi u xâm lấn vào thần kinh, mạch máu lớn, xương, khớp... thì phải cắt bỏ cả chi.

Cách sử dụng kem chống nắng hiệu quả:

- 1 độ SPF có khả năng lọc tia tử ngoại một cách tối đa trong môi trường ngoài trời khoảng 15 phút. Như vậy, 1 sản phẩm chống nắng có độ SPF 10 khi bôi lên da, có thể bảo vệ da 150 phút khi đi ra ngoài. Khi hết thời gian 150 phút, kem chống nắng vẫn còn trên da không nhưng có tác dụng chống nắng.

- Phải dùng kem chống nắng cả hai mùa. Mùa hè, dùng kem chống nắng đến độ SPF 30. Còn mùa đông chỉ nên dùng từ SPF 4 đến SPF 15. Và phải bôi lên da 30 phút trước khi đi ra nắng với độ dày thích hợp.

Nhận biết yếu tố gây bệnh

ThS.BSCKII Nguyễn Văn Dũng cho biết, có nhiều nguyên nhân gây ung thư da gồm: Do các bệnh gia đình (bệnh xơ da nhiễm sắc, hội chứng tế bào đáy dạng Nevoid, hội chứng Gardner, hội chứng Torres); Chủng tộc màu da: người da trắng nguy cơ mắc ung thư da cao hơn người da vàng, da đen;

Các bệnh lý da tồn tại từ trước (bệnh dày sừng quang hóa, bệnh Bowen, tàn nhang, nhiễm trùng (nhiễm HPV týp 16, 5, 8), viêm da mạn tính hoặc do chấn thương, yếu tố miễn dịch (hội chứng suy giảm miễn dịch, ghép tạng...); Do tiếp xúc với phóng xạ (bức xạ cực tím, bức xạ ion hóa); Tiếp xúc với hóa chất gây ung thư (nhựa đường, nhựa than đá, dầu nhờn, thuốc trừ sâu diệt cỏ, arsen)...

Để phát hiện sớm ung thư da cần chú ý khi thấy các vết loét, hoặc u cục ở da, lúc đầu nhỏ sau to dần to nhanh, không liền, dễ chảy máu, màu đen... điều trị bằng các biện pháp thông thường không đỡ (sau 4 - 6 tuần) phải đi khám bác sĩ chuyên khoa để có chẩn đoán xác định sớm.

Để tránh bị ung thư da, tốt nhất là bảo vệ làn da khỏi ánh nắng mặt trời và sử dụng mỹ phẩm, cách làm đẹp đúng cách. Chỉ nên tắm nắng vào lúc sớm, khi nắng chưa gay gắt. Đặc biệt, hạn chế tiếp xúc với nắng trong khoảng thời gian từ 10 - 16h.

Khi phải tiếp xúc với ánh nắng, nên mặc áo nhiều màu hoặc tối màu bằng các chất liệu tự nhiên và sử dụng thêm những “phụ tùng” chống nắng như áo chống nắng, khẩu trang, kính râm sẽ làm hạn chế tối đa ánh nắng mặt trời tác động trực tiếp tới da.

Ngoài ra, thường xuyên vệ sinh da sạch sẽ. Khi tắm trắng, lột da mặt... tốt nhất tránh ánh nắng khoảng 2 ngày để cho da phát triển và phải sử dụng kem chống nắng đúng cách.

ung-thu-da-mui1.jpg
Loại bỏ ung thư và tạo hình cho bệnh nhân ung thư da.

Các triệu chứng và dấu hiệu của ung thư da:

- Những vết loét dai dẳng lâu lành thỉnh thoảng lại chảy máu, chảy nước vàng hoặc có thể khỏi trong từng thời kỳ.

- Những thay đổi của vùng da bị sừng hóa do ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời như chảy máu, loét, cục nhỏ.

- Loét hay nổi cục tại vùng da đã được tia xạ từ trước tại một vết sẹo hay đường dò.

- Một vết đốm đỏ nhạt mạn tính với xước trợt nhẹ.

- Ung thư hắc tố với màu không đồng đều như nâu, đen, đỏ, trắng xanh. Nốt ruồi chuyển màu, phát triển nhanh trong vài ngày hoặc vài tuần, từ nhẵn trở lên gồ ghề có vẩy hoặc loét, có cảm giác ngứa, thay đổi ranh giới...

Theo Đời sống
back to top