Điều trị polyp rốn

Ở trẻ sơ sinh, thông thường rốn sẽ tự rụng sau 7 - 10 ngày và sau khoảng 2 tuần thì rốn khô và liền hẳn. Một số trẻ gặp tình trạng rốn rụng chưa hết, còn lại một phần niêm mạc rốn gây tiết dịch thường xuyên gọi là polyp rốn, hay còn gọi là u hạt rốn.

Hỏi: Con tôi mới sinh cháu được gần tháng. Bé đã rụng rốn được hơn 10 ngày nhưng rốn vẫn chưa khô, có dịch màu vàng đục, nhìn sâu bên dưới rốn bé thấy có 1 cục thịt nhỏ và ngày càng to lên như hạt lạc. Xin hỏi, đó là bệnh gì? Cách điều trị ra sao?

Lê Thị Phương (Nghệ An)

u-hat-ron.jpg
Điều trị polyp rốn.

BS Bùi Văn Lâm, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi T.Ư: Ở trẻ sơ sinh, thông thường rốn sẽ tự rụng sau 7 - 10 ngày và sau khoảng 2 tuần thì rốn khô và liền hẳn. Một số trẻ gặp tình trạng rốn rụng chưa hết, còn lại một phần niêm mạc rốn gây tiết dịch thường xuyên gọi là polyp rốn, hay còn gọi là u hạt rốn.

Biểu hiện khi vệ sinh rốn cho trẻ, cha mẹ thấy rốn trẻ luôn ẩm ướt, có lớp dịch màu vàng đục, rửa sạch thì thấy vùng đáy rốn có một “hạt” nhỏ như hạt đỗ (kích thước khoảng 5mm, có thể to hơn), màu hồng. Vùng da quanh quầng rốn có thể bình thường hoặc nề đỏ.

Bệnh thường không gây khó chịu cho trẻ: không sốt, không nôn, không đau khi chạm vào rốn, có thể có rỉ một ít dịch vàng.

Nếu không được chăm sóc và điều trị tốt, polyp rốn có thể gây ra tình trạng viêm lan tỏa với các biểu hiện: Sưng, nóng, đỏ vùng da quanh rốn, đau khi chạm vào, rốn chảy dịch mủ, trẻ có thể biểu hiện sốt, quấy khóc...

Polyp rốn không phải là một bệnh cấp cứu, trẻ có thể được chăm sóc tại nhà giống như viêm rốn mức độ nhẹ, việc chăm sóc cần kiên trì hàng ngày. Bố mẹ trẻ có thể sử dụng các dung dịch sát trùng như Betadine, Povidine, cồn 70 độ để nhỏ vào vùng rốn và vệ sinh xung quanh. Việc vệ sinh này sẽ dễ dàng hơn nếu sử dụng tăm bông.

Ngoài ra, các sinh hoạt khác của trẻ (tắm, bú mẹ, tiêm văcxin…) vẫn diễn ra bình thường. Sau 3 tháng tuổi, nếu tình trạng không cải thiện hoặc trong quá trình chăm sóc trẻ có biểu hiện viêm lan tỏa thì cần cho trẻ đến gặp bác sĩ để kiểm tra.

Đặc biệt lưu ý, nếu vùng rốn chảy ra các dịch bất thường, ví dụ như dịch nước trong số lượng nhiều, gây ướt áo (có thể có đường thông thương rốn - bàng quang), hoặc dịch có màu vàng giống dịch tiêu hóa (có thể có đường thông thương rốn - ruột non). Trong trường hợp này cần cho trẻ đến ngay phòng khám chuyên khoa ngoại nhi để được thăm khám.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top