Hạt cau vị đắng, chát, tính ấm, có độc. Vào vị, đại trường có tác dụng hạ khí, hàn thủy, sát trùng. Chủ trị ăn uống không tiêu, ngực bụng trướng đau, tả lỵ, sốt rét, giun sán, thuỷ thũng.
- Trị thận hư hàn, khí công vào bụng gây nên bụng đau, bụng đầy: Hạt cau 40g, cát cánh 80g, mộc hương 40g, phụ tử 40g, quế 40g, am lư tử 80g tán bột, mỗi lần dùng 12g, thêm 1 chén nước sắc còn 7 phân, bỏ bã, uống ấm. Tác dụng ôn thận, tán hàn, hành khí, chỉ thống.
- Trị thận hư hàn, khí công vào bụng gây nên bụng đau, bụng đầy, hông sườn đầy trướng: Bạch đậu khấu 12g, hạt cau 1,2g, đinh hương 4g, đương quy 1,2g, hồi hương 1,2g, mộc hương 1,2g, ngô thù 4g, phụ tử 4g, thanh bì 1,2g, xuyên khung 1,2g tán bột, mỗi lần dùng 16g, nước 1 chén, thêm táo 3 trái sắc còn 6 phân, uống nóng. Tác dụng ôn thận, trục hàn, hành khí, chỉ thống.
- Trị bụng đầy, đờm thực đình tích, khí của tam tiêu bị trệ, táo bón: Bán hạ 80g, hạt cau 40g, chỉ xác 40g, hạnh nhân 40g, mộc hương 40g, tạo giác 80g, thanh bì 40g, úc lý nhân 40g tán bột. Dùng tạo giác 160g, nấu nhừ thành cao, trộn với ít mật cô cho chín, hòa thuốc bột làm viên to bằng hạt ngô đồng lớn. Mỗi lần uống 50 viên với nước sắc gừng sống. Tác dụng hành khí, trừ mãn, khứ đờm, nhuận trường.
- Trị sán: Hạt cau 50g sắc với 150 ml, còn 50 ml uống một lần vào buổi sáng. 2 - 4 giờ sau nên uống thêm 15-20g đại hoàng. Sắc với 200 ml, còn 100 ml uống một lần để tẩy giun sán ra ngoài. Người âm huyết hư, tân dịch kém, có thai không nên dùng.