Hạt cau có vị cay, đắng, chát, tính ấm vào phế đại tràng.
Công dụng điều trị: tiêu tích, hành thuỷ sát trùng, trừ giun sán. Vỏ quả cau có vị ngọt, hơi the, tính ấm, có tác dụng thông khí, hành thuỷ, thông đại tiểu trường.
Bộ phận dùng: Hạt khô thường gọi là Tân lang. Vỏ quả ngoài và vỏ giữa thường có tên là đại phúc bì.
Thành phần hóa học: Trong hạt cau có dầu béo 10-15%, protid 5-10%, glucid 50-60%, tanin 15%, alcaloid ở dạng kết hợp với tanin 0,3-0,5%. các alcaloid chính là arecolin, arecaidin (arecain) guvacolin, guvacin và isoguvacin, arecolidin. Vỏ quả cũng chứa những alcaloid như ở hạt (arecolin, guvacolin, guvacin...) nhưng với hàm lượng rất thấp.
Người ta đã biết được arecolin, hoạt chất chính trong hạt cau là chất cường đối giao cảm, như muscarin làm tăng sự tiết dịch và làm co đồng tử. Với liều thấp, arecolin kích thích thần kinh; với liều cao, nó làm liệt thần kinh. Arecolin làm tăng nhu động ruột, làm tê bại cơ như kiểu nicotin, nghĩa là ức chế các hạch thần kinh, khớp thần kinh cơ, làm cho sán không bám vào thành ruột được.
Đơn thuốc:
1. Chữa sốt rét: Hạt cau 2g. Thường sơn 6g, thảo quả 1g, cát căn 4g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.
2. Chữa khó tiêu, đầy trướng bụng: Dùng hạt cau 10g, sơn tra 10g, sắc nước uống.
3. Nhiễm giun đũa: Dùng 21 hạt cau sao tán nhỏ, nhịn ăn, chia uống làm 2-3 lần trong một ngày với nước sắc vỏ quả cau làm thang (Bách gia trân tàng).
4. Trẻ em bị chốc đầu: Dùng hạt cau mài lấy bột phơi khô hoà với dầu vừng mà bôi.
Lương y Phan Thị Thạnh (Hội Đông y TP Vũng Tàu)