Đối đầu với Covid-19: Trải lòng của những người chiến thắng

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của con người, trong đó có sức khỏe tâm thần.

Vì sao lại là tôi mắc Covid-19?

Ông Minh T (quận Bình Thạnh) chia sẻ, trong thời buổi dịch bệnh này, gia đình ông đã tăng cường các biện pháp cần thiết để tránh lây nhiễm như 5K, hạn chế ra đường trong hơn 3 tháng... Thế nhưng, cả gia đình vẫn dương tính với SAR-CoV-2 và đã tự điều trị tại nhà.

cac-trung-tam-tich-cuc-covid-19.jpg
Những người bị nghi nhiễm hoặc đã được xác định dương tính với Covid-19 phần lớn đều rơi vào trạng thái lo âu, buồn chán, cô đơn, tức giận, tuyệt vọng,

Trong những ngày đầu, mọi người rất ít trò chuyện với nhau vì ai cũng cảm thấy khó lòng mà chấp nhận được việc trở thành bệnh nhân Covid-19. Mấy đứa nhỏ còn sợ cảm giác bị kỳ thị từ lối xóm, bạn bè...

“Khi biết mình dương tính với Covid-19, tôi thấy bất ngờ lắm vì nhà tôi tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng ngừa. Ai cũng mất hết tinh thần. Thế nhưng lối xóm, bạn bè, họ hàng vẫn động viên, tiếp tế lương thực... khiến tôi nhìn nhận rõ hơn vai trò trụ cột của mình trong mái ấm nhỏ này. Tôi phải cùng vợ và các con vượt qua đại dịch”, ông T. cho biết.

Sau những ngày sợ hãi, ủ rũ, gia đình ông T. đã dần chấp nhận với việc mình là bệnh nhân Covid-19 và đã tích cực chữa trị tại gia. Tuy vô cùng khó khăn, nhưng mọi người đã gắn kết hơn bao giờ hết.

“Chỉ khi nào chúng ta chấp nhận, không trốn tránh mà cùng nhau đối đầu, chúng ta mới chiến thắng được dịch bệnh này” ông T. chia sẻ.

Mọi thành viên trong gia đình đều chao đảo

Theo TS Lê Minh Công, Chương trình “Văcxin tinh thần”, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM), những người bị nghi nhiễm hoặc đã được xác định dương tính với Covid-19 phần lớn đều rơi vào trạng thái lo âu, buồn chán, cô đơn, tức giận, tuyệt vọng, mất ngủ, tự làm hại bản thân hoặc có ý định tự tử...

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đến thăm Trung tâm H.O.P.E, nơi đang chăm sóc gần 50 bé sơ sinh có mẹ bị mắc Covid-19 và đang điều trị tại Bệnh viện Hùng Vương.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đến thăm Trung tâm H.O.P.E, nơi đang chăm sóc gần 50 bé sơ sinh có mẹ bị mắc Covid-19 và đang điều trị tại Bệnh viện Hùng Vương.

Khi đã bình phục, họ vẫn có thể phải chịu tác động dai dẳng của các chứng rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) và thậm chí còn có nguy cơ phát triển các rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD). 

Một nghiên cứu gần đây với 1.210 người tham gia (đều là những bệnh nhân Covid-19) từ 194 thành phố ở Trung Quốc cho thấy, khoảng 53,8% bị ảnh hưởng đến tâm lý ở mức trung bình hoặc nặng do Covid -19, 31,3% có rối loạn trầm cảm, 36,4% có rối loạn lo âu và 32,4% có khủng hoảng.

Đồng thời, người thân của các F0 cũng phải trải qua những ám ảnh tâm lý, căng thẳng khác như bị truy lùng, kỳ thị và phải đứng trước tình cảnh có thể mất người thân bất cứ lúc nào.

Trẻ em cũng là đối tượng dễ bị tác động nhất về mặt tâm lý trong đại dịch phức tạp này. Đặc biệt, những em dương tính hoặc cách ly sẽ nguy cơ cao mắc rối loạn căng thẳng cấp tính, rối loạn điều chỉnh, trầm cảm và PTSD.

tre-mo-coi-.jpg
Mất đi hoặc rời xa người thân trong thời thơ ấu cũng ảnh hưởng đến tâm lý các em lâu dài.

Các nghiên cứu cho thấy, có khoảng 30% trẻ em mắc PTSD sau đại dịch. Mất đi hoặc rời xa người thân trong thời thơ ấu cũng ảnh hưởng đến tâm lý các em lâu dài.

Văcxin tinh thần chiến thắng Covid - 19

Dịch bệnh để lại cho chúng ta mất mát, khủng hoảng. Nhưng ở đâu đó những giá trị, những nâng đỡ vẫn len lỏi nảy mầm qua các lớp tàn dư của đại dịch. TS Minh Công nhấn mạnh, bệnh nhân Covid-19, những con người dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết cần phải trân trọng những hạt mầm này.

Chị Hồng N., một bệnh nhân vừa khỏi Covid-19, chia sẻ dịch bệnh lấy của tôi nhiều thứ lắm, bạn bè, người thân, rồi cả công việc. Đôi lúc nằm trên giường bệnh mà nghe tin ai đó mất, tôi như muốn buông xuôi tất cả.

bn-cai-may-tho-chuyen-sang-oxy-mask.jpg

"Thật may mắn rằng, dù là một bệnh nhân Covid-19, nhưng những người xung quanh chưa bao giờ bỏ rơi tôi, họ cho tôi niềm tin, họ trao tôi động lực sống mỗi ngày. Những cuộc gọi động viên ngắn ngủi, dù chỉ vài giây lại thắp lên sự sống cả đời cho tôi.” chị Hồng N. bộc bạch.

Còn chị Ngọc T chia sẻ, lúc đầu chị ngỡ đây là căn bệnh ai cũng sẽ mắc, rồi cũng sẽ như cảm cúm. Nhưng nó kinh khủng hơn những gì đã từng nghe.

“Sau khi vượt qua được căn bệnh này, mình càng biết trân trọng hơn từng giây từng phút cùng gia đình, người thân và bạn bè; biết chăm sóc sức khỏe bản thân từng chút một... Mình không thấy hổ thẹn khi là một bệnh nhân Covid-19, mình cảm thấy trân trọng điều đó.” chị Ngọc T. nói.

Mỗi chúng ta, ai cũng có thể tự chữa lành vết thương tinh thần cho chính mình. Chúng ta chính là liều văcxin mà bản thân cần nhất lúc này. Chúng ta cùng nhau nhìn nhận mọi thứ theo hướng tích cực hơn, tập thể dục thường xuyên, cân bằng chế độ ăn uống, tập các bài tập thư giãn... để mỗi người luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu với đại dịch.

Theo Đời sống
Điều trị polyp rốn

Điều trị polyp rốn

Ở trẻ sơ sinh, thông thường rốn sẽ tự rụng sau 7 - 10 ngày và sau khoảng 2 tuần thì rốn khô và liền hẳn. Một số trẻ gặp tình trạng rốn rụng chưa hết, còn lại một phần niêm mạc rốn gây tiết dịch thường xuyên gọi là polyp rốn, hay còn gọi là u hạt rốn.
back to top