Loạt xưởng dăm gỗ hoạt động trái phép ở Hoà Bình

Các cơ sở chế biến lâm sản, dăm gỗ trái phép tại huyện Tân Lạc, Hoà Bình chủ yếu vi phạm về cho thuê đất trái quy định, sử dụng đất không đúng hợp đồng cho thuê...
Sau phản ánh “Xưởng chế biến dăm gỗ trái phép ‘thi gan’ cùng chính quyền” của Báo Tri thức và Cuộc sống, ngày 19/11, UBND huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình đã có văn bản chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Lạc kiểm tra, rà soát và xử lý các xưởng chế biến dăm gỗ trái phép trên địa bàn.
Tìm hiểu của PV Báo Tri thức và Cuộc sống, mới đây một số UBND các xã thuộc huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình đã lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với các chủ xưởng chế biến dăm gỗ trái phép trên địa bàn. Điều đáng nói là, các chủ xưởng chỉ nộp tiền phạt mà không khắc phục hậu quả, tiếp tục tái diễn hoạt động. Thậm chí, khi đã có kết quả kiểm tra và yêu cầu dừng hoạt động sản xuất, chế biến của các xưởng, cơ sở này, chính quyền huyện Tân Lạc vẫn chưa xử lý vụ việc dứt điểm, dẫn đến tình trạng vi phạm kéo dài, phức tạp.
Nhuc nhoi loat xuong dam go hoat dong trai phep o Hoa Binh
Xưởng sản xuất, chế biến dăm gỗ nằm trên diện tích đất trồng cây lâu năm tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc có vi phạm kéo dài nhưng chưa được xử lý triệt để. Ảnh Hữu Tuấn.
Theo ghi nhận, tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình, nhiều năm nay, nằm ngay sát đường liên xã đoạn qua xóm Tân Phú tồn tại một xưởng tập kết, chế biến dăm gỗ trái phép có quy mô lớn. Xe tải liên tục ra vào đổ đầy gỗ, keo, tràn ra ngoài đường gây mất ATGT. Bên trong xưởng máy băm nghiền hoạt động hết công suất gây tiếng ồn lớn.
Xác định xưởng dăm gỗ này hoạt động trái phép và vi phạm về đất đai, ngày 11/10, UBND xã Phong Phú đã ra Quyết định xử phạt hành chính số 419/QĐ-XPHC do ông Bùi Văn Nức, Chủ tịch UBND xã Phong Phú ký nêu rõ: Xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Hà Thị Được (SN 1953), địa chỉ thường trú tại thôn Bích Chu, xã An Tường, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc về hành vi sử dụng đất sai mục đích và khu vực chưa được cấp có thẩm quyền cho phép thuộc địa phận xóm Tân Phú, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, Hoà Bình.
Hình thức xử phạt là phạt tiền 5 triệu đồng và yêu cầu bà Hà Thị Được tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng vi phạm trên diện tích đất, khôi phục lại tình trạng đất ban đầu trước khi vi phạm.
Thời gian thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả là 10 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định.
Tuy nhiên, cho đến ngày 22/11, công trình xưởng tập kết, chế biến dăm gỗ trên diện tích đất trồng cây lâu năm của bà Hà Thị Được vẫn tồn tại và ngang nhiên hoạt động như chưa hề có Quyết định xử phạt của chính quyền xã Phong Phú.
Nhuc nhoi loat xuong dam go hoat dong trai phep o Hoa Binh-Hinh-2
Xưởng chế biến lâm sản, dăm gỗ trái phép tại khu Mường Cộng, thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc. Ảnh: Hữu Tuấn.
Tại khu Mường Cộng, thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, một cơ sở sản xuất chế biến lâm sản, dăm gỗ trái phép khác cũng đang tồn tại, hoạt động sản xuất và bất tuân “lệnh cấm” của chính quyền địa phương.
Xưởng dăm gỗ này được xác định là của ông Bùi Văn Thuận (SN 1971). Xưởng có quy mô lớn với đầy đủ hạ tầng như: Nhà điều hành, nhà xưởng, trạm cân, sân bê bông, bãi tập kết nguyên liệu sản xuất, băng chuyển, máng bóc, máy băm…rộng gần 5000m2. Đặc biệt có hệ thống điện 3 pha để sản xuất, chế biến dăm gỗ ngày đêm.
Được biết, toàn bộ diện tích đất của cơ sở chế biến lâm sản, dăm gỗ của ông Bùi Văn Thuận có nguồn gốc là đất rừng sản xuất.
“Xưởng dăm gỗ của ông Bùi Văn Thuận là xưởng hoạt động trái phép và có vi phạm về đất đai. Mặc dù chính quyền đã xử phạt và nhắc nhở nhiều lần nhưng xưởng vẫn hoạt động”, ông Bùi Văn Hiển, Chủ tịch UBND thị trấn Mãn Đức xác nhận và cho biết năm 2023, chính quyền địa phương đã tiến hành kiểm tra và phát hiện ông Bùi Văn Thuận tự ý xây dựng nhà cấp 4 và một nhà xưởng chế biến gỗ keo trên diện tích đất rừng sản xuất.
Sau khi lập biên bản, UBND thị trấn Mãn Đức ra quyết định xử phạt hành chính với số tiền 4 triệu đồng và buộc ông Bùi Văn Thuận phải khôi phục lại tình trạng của đất. Tuy nhiên, đến nay, ông Bùi Văn Thuận mới chỉ nộp tiền phạt còn việc khôi phục đất đang “treo” vì vẫn đang có điện hoạt động sản xuất và chưa bị cưỡng chế.
Nhuc nhoi loat xuong dam go hoat dong trai phep o Hoa Binh-Hinh-3
Xưởng sản xuất, chế biến dăm gỗ trái phép tại xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc vãn hoạt động. Ảnh: Hữu Tuấn.
Ngoài 2 xưởng chế biến, sản xuất dăm gỗ trái phép trên, trên địa bàn huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình còn tồn tại nhiều xưởng chế biến lâm sản trái phép khác trong nhiều năm nay mà chính quyền địa phương vẫn chưa xử lý dứt điểm, triệt để. Thậm chí còn có dấu hiệu buông lỏng quản lý, để cơ sở “bành trướng” với quy mô rộng lớn hơn.
Theo báo cáo kết quả kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về đất đai, môi trường, lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở chế biến gỗ keo trên địa bàn huyện Tân Lạc của Đoàn kiểm tra theo Quyết định số 3067/QĐ-UBND năm 2022, trên địa bàn huyện Tân Lạc có 7 cơ sở sản xuất và chế biến gỗ keo trái phép và có nhiều vi phạm về đất đai, môi trường, lao động…
Cụ thể, cơ sở sản xuất và chế biến gỗ keo trái phép tại xóm Mu Biệng, xã Ngọc Mỹ của ông Nguyễn Văn Vinh (SN 1974). Thời điểm kiểm tra, phát hiện xưởng đang sản xuất chế biến gỗ trên diện tích hơn 1.500m2, loại đất theo hồ sơ địa chính và đất trồng lúa. Cơ sở chưa có giấy phép về môi trường, vỏ keo sau khi bóc ra tập kết ngay tại cơ sở sản xuất, không có mái che, không có khu vực phân loại riêng biệt. Chưa có bể lắng xử lý nước thải, chưa có hệt thống xử lý chảy tràn. Hệ thống điện cấp cho cơ sở sản xuất, chế biến là điện 3 pha…
Đoàn kiểm tra xác định việc thuê đất trồng lúa để đặt cân thu mua gỗ keo, sản xuất, chế biến dăm gỗ và xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc sản xuất trên đất là vi phạm pháp luật và yêu cầu cơ sở dừng toàn bộ hoạt động sản xuất, biến gỗ. Tuy nhiên, đến nay cơ sở này vẫn ngang nhiên hoạt động, không bị xử lý triệt để.
Tại xóm Bào 2, xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc, Đoàn kiểm tra phát hiện hơn 8.000m2 đất trồng cây lâu năm đã bị san gạt, xây dựng nhà xưởng. Có hệ thống điện 3 pha phục vụ sản xuất, chế biến và hệ thống máy móc. Chủ cơ sở sản xuất được xác định là ông Hạ Văn Tuân.
Cũng tại xã Thanh Hối, một xưởng chế biến lâm sản trái phép khác cũng được phát hiện khi toàn bộ diện tích nhà xưởng được xây dựng trên diện tích đất trồng cây lâu năm và có hệ thống điện 3 pha phục vụ sản xuất. Chủ cơ sở là ông Phạm Quang Hải (SN 1976). Thời điểm phát hiện, Đoàn kiểm tra yêu cầu cơ sở dừng toàn bộ hoạt động xây dựng, lắp đặt xưởng chế biến gỗ keo để hoàn tất thủ tục, hồ sơ pháp lý. Tuy nhiên, theo cập nhật mới nhất, xưởng gỗ keo này đã đi vào hoạt động với quy mô khá lớn.
Nhuc nhoi loat xuong dam go hoat dong trai phep o Hoa Binh-Hinh-4
Cơ sở chế biến dăm gỗ trái phép tại xã Tử Nê, huyện Tân Lạc. Ảnh: Hữu Tuấn.
Tại xóm Chùa, xã Tử Nê, huyện Tân Lạc, Đoàn kiểm tra phát hiện một khu vực sản xuất, chế biến gỗ keo được xây dựng trên 2 thửa đất có diện tích đất ở và đất trồng cây hàng năm hơn 2.000m2
Bãi tập kết vật liệu nằm trên phần đất quy hoạch bãi thu gom rác thải ủa UBND xã Tử Nê với diện tích hơn 3.000m2, chủ cơ sở đã tự ý tập kết nguyên vật liệu trên phần đất này. Thậm chí, cơ sở này chưa thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường trong Kế hoạch BVMT đã được UBND huyện xác nhận về hệ thống thoát nước mua, chất thải nguy hại.
Ngoài ra, tại xóm Chùa, xã Tử Nê, Đoàn kiểm tra cũng phát hiện một cơ sở sản xuất chế biến lâm sản trái phép khác, chủ cơ sở là ông Phạm Văn Lĩnh (SN 1982). Đoàn kiểm tra xác định việc xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc sản xuất của cơ sở này trên đất không đúng theo hợp đồng thuê đất và đã yêu cầu dừng toàn bộ hoạt động bóc gỗ keo tại đây. Tuy nhiên, các cơ sở trái phép này đến nay vẫn ngang nhiên hoạt động.
Ngày 20/11, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, ông Bùi Đức Hiển, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Lạc cho biết, hiện phòng đã nhận được chỉ đạo của UBND huyện về việc rà soát, kiểm tra, xử lý các cơ sở chế biên lâm sản, dăm gỗ trái phép. Sau khi có kết quả sẽ thông tin báo chí.
Văn bản số 2047/UBND-KT về việc yêu cầu kiểm tra, rà soát và xử lý các xưởng chế biến dăm gỗ trái phép trên địa bàn do Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc Lê Chí Huyên ký gửi ngày 19/11/2024 nêu rõ Phòng Tài nguyên và Môi trường khẩn trương triển khai thực hiện. Báo cáo kết quả về UBND huyện trước ngày 25/11.
Theo Đời sống
Cấp đổi lại giấy phép lái xe từ 1/1/2025

Cấp đổi lại giấy phép lái xe từ 1/1/2025

Giấy phép lái xe trước năm 2025 vẫn được tiếp tục sử dụng theo thời hạn ghi trên đó mà không phải thi lại. Giấy phép lái xe được cấp trước ngày 1/1/2025 tiếp tục sử dụng theo thời hạn ghi trên Giấy phép lái xe.
Đối tượng sắp được tăng lương hưu

Đối tượng sắp được tăng lương hưu

Từ ngày 1/7/2025 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực quy định lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.
back to top