Hô biến đất rừng Đồi 76 thành “biệt thự” trái phép ở Quốc Oai-Hà Nội

Diện tích lớn đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm, thậm chí đất công do chính quyền quản lý tại xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, Hà Nội đã bị người dân “xẻ thịt”, xây dựng nhà ở, homestay trái phép.

Nhan nhản công trình xây dựng vi phạm ở xã Hòa Thạch

Phản ánh đến Báo Tri thức và Cuộc sống, người dân xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội cho biết, tại khu vực đồi 76, xã Hòa Thạch đã và đang diễn ra tình trạng “xẻ thịt” đất rừng, đất trồng cây lâu năm để bê tông hoá, xây dựng nhà ở, homestay kiên cố với quy mô rộng lớn. Đặc biệt, trên diện tích đất gần 10.000m2 xuất hiện một tổ hợp nhà kiểu biệt thự, dịch vụ phá vỡ hoàn toàn cảnh quan đồi 76.

Toàn cảnh đồi 76 bị "xẻ thịt" để xây dựng công trình nhà ở, dịch vụ kiên cố. Ảnh: Hữu Tuấn.Toàn cảnh đồi 76 bị "xẻ thịt" để xây dựng công trình nhà ở, dịch vụ kiên cố. Ảnh: Hữu Tuấn.

Tháng 10/2024, thực địa tại đồi 76, xã Hòa Thạch, PV Báo Tri thức và Cuộc sống ghi nhận, tại xóm 1 thôn Hòa Phú tồn tại một móng công trình nhà xưởng kết cấu bê tông cốt thép, chưa lợp mái với tổng diện tích gần 1.000m2.

Nằm bên trên khu nhà xưởng là một công trình kiểu nhà ở biệt thự, dịch vụ với thiết kế hiện đại có bể bơi, sân vườn… rộng hàng nghìn m2. Công trình này “hiên ngang” tồn tại ngay trên đỉnh đồi 76 được “bao bọc” bởi hệ thống đường bê tông kéo dài và hàng rào bao quanh.

Người dân sinh sống dưới chân đồi 76 cho biết, công trình kiểu biệt thự này được xây dựng từ năm 2021 và dần hoàn thiện qua các năm gần đây. Đồi 76 là đất trồng rừng, trồng cây lâu năm và là điểm cao quân sự có nhiều lô cốt nhưng không hiểu lý do gì công trình biệt thự kiên cố, rộng lớn lại được xây dựng mà không bị xử lý, phá dỡ.

Truy xét việc quản lý và sử dụng đất Đồi 76

Ngày 7/10, trao đổi với PV, ông Lê Văn Xinh, Chủ tịch UBND xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai thừa nhận tại khu đồi 76 đang tồn tại những công trình vi phạm trên đất rừng và đất trồng cây lâu năm.

Chủ tịch UBND xã Hòa Thạch cho biết, theo báo cáo việc sử dụng đất tại khu đồi 76 của UBND xã Hòa Thạch, về nguồn gốc đất khu vực đồi 76, trước năm 1988 là đất công do UBND xã quản lý. Năm 1989, 1991, Nhà nước thực hiện dự án 327 phủ xanh đất trống đồi núi trọc. UBND huyện Quốc Oai có chủ trương giao đất cho các hộ dân thôn Thắng Đầu để tránh tình trạng đất bỏ hoang hóa. Thực tế, các khu vực Gò Ròng, đồi 76 là phần diện tích HTXNN Thắng Đầu giao cho các hộ dân để trồng rừng bằng hình thức giao giống cây trồng và hỗ trợ gạo và tiền để chăm sóc.

Năm 1996, UBND huyện có thực hiện dự án miền tây Quốc Oai, chuyển từ rừng sang trồng cây ăn quả. Cụ thể là vải thiều và trồng măng bát độ (dự án PAM). Hiện nay các hộ vẫn đang sử dụng để làm vườn. Một số hộ dân thì đã làm nhà, làm lán trại để ở song do không có nước, các hộ bỏ hoang và tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ những năm 1997.

Công trình nhà ở kiểu biệt thự, dịch vụ quy mô rộng hàng nghìn m2 vi phạm trên đỉnh đồi 76. Ảnh: Hữu Tuấn.Công trình nhà ở kiểu biệt thự, dịch vụ quy mô rộng hàng nghìn m2 vi phạm trên đỉnh đồi 76. Ảnh: Hữu Tuấn.

Mới đây (ngày 12/11), UBND huyện Quốc Oai tiếp tục có văn bản yêu cầu UBND xã Hoà Thạch báo cáo làm rõ nguồn gốc, quá trình sử dụng đất tại khu vực đồi 76.

Văn bản số 4304/UBND-TNMT do ông Phạm Quang Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai ký, nêu rõ: Theo nội dung Báo cáo số 189/BC-UBND ngày 31/10/2024 của UBND xã Hòa Thạch chưa làm rõ được nguồn gốc, quá trình sử dụng đất đối với các thửa đất phát sinh công trình xây dựng của bà Lê Thị Mỹ Liên và bà Vũ Lê Tú Anh, dẫn đến nội dung đề xuất của UBND xã Hòa Thạch chưa rõ, chưa có cơ sở để thực hiện đảm bảo quy định pháp luật;

Từ thực tế trên, để có cơ sở giải quyết theo đề xuất của UBND xã Hòa Thạch, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu UBND xã Hòa Thạch khẩn trương rà soát cụ thể hồ sơ địa chính, các giấy tờ, tài liệu do Hợp tác xã nông nghiệp quản lý và các tài liệu liên quan đến việc sử dụng đất do người sử dụng đất cung cấp, để xác định chính xác nguồn gốc, quá trình sử dụng đất đối với các thửa đất do bà Lê Thị Mỹ Liên và bà Vũ Lê Tú Anh sử dụng.

Từ nguồn gốc, quá trình sử dụng đất, hiện trạng sử dụng đất đối chiếu với các quy định của pháp luật để xác định chính xác loại đất, xác định có hay không có vi phạm hành chính trong quản lý, sử dụng đất đai; trường hợp có vì phạm, phải thiết lập hồ sơ và xử lý theo thẩm quyền, quy định của pháp luật

Tuyệt đối không được để công trình vi phạm (nếu có) được tồn tại và đưa vào sử dụng.

Trên cơ sở nguồn gốc, quá trình sử dụng đất và quy định của pháp luật, báo cáo UBND huyện chỉ đạo, giải quyết theo đúng quy định pháp luật. Báo cáo kết quả về UBND huyện (qua phòng TNMT) trước ngày 15/11/2024.

Tuy nhiên, trao đổi với PV, một nguồn tin cho biết, đến nay UBND xã Hoà Thạch vẫn chưa có báo cáo theo yêu cầu của UBND huyện Quốc Oai.

Quy định của pháp luật về đất rừng, đất trồng cây lâu năm

Khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai 2013 quy định đất nông nghiệp gồm các loại đất sau: Đất trồng cây hàng năm, Đất trồng cây lâu năm, Đất rừng, Đất nuôi trồng, Đất nông nghiệp…

Đất nông nghiệp được sử dụng vào mục đích trồng trọt, chăn nuôi và các hoạt động khác phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Trường hợp sử dụng đất nông nghiệp ngoài những mục đích nêu trên không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép thì được xác định là sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích (ví dụ: sử dụng đất nông nghiệp để xây nhà tạm, nhà ở,…)

Điều 6 Luật Đất đai 2013 quy định về nguyên tắc sử dụng đất như sau:

"Điều 6. Nguyên tắc sử dụng đất

1. Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất.

2. Tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh.

3. Người sử dụng đất thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan."

Như vậy, trường hợp sử dụng đất sai mục đích được xác định là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt.

Theo VietnamDaily
back to top