40% người dân cần nâng đỡ tâm lý
Đại dịch Covid-19 đã kéo dài hơn một năm rưỡi, đặc biệt bùng phát mạnh mẽ ở TPHCM và các tỉnh phía Nam từ tháng 5/2021 đến nay.
Theo PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM, hiện nay người dân TPHCM nói riêng và nhiều người dân ở các tỉnh thành khác, đứng trước hai nỗi sợ lớn: nỗi sợ chết/mất mát vì Covid-19; nỗi sợ về an sinh xã hội.
“Người dân toàn thành phố, đặc biệt là các bệnh nhân nhiễm Covid-19 và thân nhân, các bác sĩ, nhân viên y tế tuyến đầu, người lao động và học sinh - sinh viên là những nhóm dễ bị tổn thương bởi Covid-19, có nhu cầu được hỗ trợ, trấn an tâm lý, tinh thần để vượt qua đại dịch”, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan chia sẻ.
Đại dịch Covid-19 là một nghịch cảnh, một sự kiện sang chấn, vừa gây tổn thương cơ thể vừa gây tổn thương về tinh thần nghiêm trọng dẫn đến nhiều nguy cơ căng thẳng, lo âu, trầm cảm, kiệt sức và mắc các bệnh lý tinh thần rất lớn và dễ dẫn đến nguy cơ tự tử.
Nhóm giảng viên thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã thực hiện nghiên cứu “Sức bật tinh thần và các triệu chứng cơ thể của người Việt trong đại dịch Covid-19”. Khảo sát này được triển khai từ ngày 9 - 20/8/2021 với 1.338 người tham gia. Đa số là sinh viên và người trong độ tuổi lao động tại TPHCM.
Nghiên cứu chỉ ra nhiều vấn đề sức khỏe tinh thần của sinh viên và người lao động, bộc lộ qua các triệu chứng như lo âu, trầm buồn, căng thẳng/stress, buồn chán, bứt rứt trong người, cáu gắt, mất hứng thú, mất động lực, khó tập trung.
Ngoài ra, các triệu chứng cơ thể của con người trong thời gian giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19 như đau đầu, mất ngủ, đau mỏi cơ thể, vai, gáy, căng cơ, biếng ăn… Những triệu chứng này không phải do nhiễm Covid-19 hoặc bệnh tật. Đặc biệt, gần 40% cần tư vấn, hỗ trợ tâm lý.
“Bệnh nhân nhiễm Covid-19 thường trải qua căng thẳng khi xét nghiệm, hoang mang, hoảng loạn khi biết mình là bệnh nhân dương tính với Covid-19. Đối với bệnh nhân trở nặng phải điều trị ICU, sau khi tỉnh dậy, họ trải qua cú sốc tâm lý và thường có biểu hiện hoảng loạn và kém thích nghi tâm lý. Một bộ phận bệnh nhân gặp sang chấn tinh thần dẫn đến từ chối hoặc không hợp tác điều trị”, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan chia sẻ.
Cùng lúc, thân nhân của bệnh nhân F0 nặng cũng trải qua lo âu, căng thẳng và bất lực vì trong điều kiện giãn cách xã hội, mọi quá trình điều trị chỉ thực hiện tại các bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19.
Do đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo phải nâng cao sức khỏe tinh thần người dân, không chỉ đối với người già, trẻ em - vị thành niên, mà còn đối với nhiều nhóm người khác trong xã hội vốn được cho là mạnh mẽ.
Tinh thần quan trọng không kém thuốc
Trong cuộc chiến này, chúng ta đã nghe nhiều về yếu tố tinh thần đóng vai trò không kém phần quan trọng bên cạnh yếu tố thuốc chữa bệnh.
Đó là câu chuyện về một bệnh nhân bị tràn khí trung thất, tràn khí dưới da, hai lá phổi trắng xóa vì mắc Covid-19. Anh đã chiến đấu, nằm sấp, tập thở và cai máy thở để giành sự sống về với con.
Theo các chuyên gia tâm lý, sức đề kháng tinh thần vừa là khả năng phòng vệ/thành trì của con người trước sự xâm nhập của những yếu tố ngoại cảnh tiêu cực… vừa là khả năng kích hoạt sức bật tinh thần của con người để ứng phó với những nỗi sợ về sự bất định, nỗi sợ nhiễm bệnh, nỗi sợ mất mát, nỗi sợ về khủng hoảng an sinh xã hội.
BSCKII Phạm Đăng Trọng Tường, Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 12 chia sẻ thêm: “Ngay trong những giai đoạn đầu tiên, bệnh nhân Covid-19 được điều trị và theo dõi không chỉ sức khỏe về thể chất mà cả tinh thần. Khoảng 80% mắc Covid-19 có các triệu chứng nhẹ và sau đó sẽ hồi phục. Nhưng 20% bệnh nhân cần chăm sóc tích cực hơn. Khi bệnh nhân có biểu hiện suy hô hấp, cảm giác khó thở, ngộp thở càng khiến bệnh nhân hoảng loạn”.
BSCKII Phạm Đăng Trọng Tường cho biết thêm, trong những tình huống như vậy, việc giúp bệnh nhân hiểu và lấy lại bình tĩnh cũng như hợp tác với y bác sĩ trong điều trị, cung cấp oxy hỗ trợ hô hấp rất quan trọng.
“Nếu bệnh nhân vẫn ở trong tâm trạng hoảng loạn, ngoài việc cơ thể tăng cường sử dụng oxy, bệnh nhân sẽ phải tăng cường và huy động các cơ quan khác để đối phó với stress. Nên thời điểm đó, điều trị tâm lý giúp bệnh nhân vượt qua ổn định tinh thần, hợp tác với bác sĩ để thở tốt nhất”, BSCKII Phạm Đăng Trọng Tường giải thích.
BSCKII Phạm Đăng Trọng Tường khẳng định, nhiều trường hợp mắc Covid-19 đã được điều trị tâm lý giai đoạn sớm, vượt qua giai đoạn khủng hoảng và hồi phục tốt.
Không chỉ vậy, bệnh nhân Covid-19 còn gặp nhiều vấn đề về tâm thần và xã hội như chứng kiến cảnh người thân mắc bệnh, mất mát, chứng kiến cảnh mất việc, mất nguồn thu nhập, gia đình khó khăn…
Bên cạnh việc tiêm văcxin như một giải pháp để phòng ngừa bệnh tật, các chuyên gia cho rằng chúng ta cần có thêm văcxin tinh thần để có một hệ miễn dịch toàn diện ứng phó với đại dịch Covid-19.
Nhiều hoạt động hỗ trợ tâm lý cho người dân trong bối cảnh đại dịch đã được triển khai, theo hướng ngăn ngừa, can thiệp chữa trị và phục hồi. Qua đó, hạn chế đến mức thấp nhất các “tổn thương tinh thần” do ảnh hưởng, di chứng của dịch bệnh và giãn cách xã hội.
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM, đã khởi động Chương trình “Văcxin Tinh thần”, hỗ trợ sức khỏe tinh thần miễn phí cho người dân trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tại TPHCM. Chương trình thực hiện thông điệp “Bình tĩnh sống để chống dịch lâu dài” của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng Chống Dịch Covid-19. Tổng đài 1022 hoặc 0987.111.801.
Chương trình gồm các chuyên gia tâm lý học, tâm lý giáo dục, tâm lý trị liệu, tâm lý lâm sàng, bác sĩ và các tình nguyện viên, điều phối viên ở khoa tâm lý học, các trung tâm tư vấn tâm lý, các bệnh viện ở TPHCM, Tiền Giang, Phú Yên, Đà Nẵng, Thái Nguyên...