Nhà văn, chuyên gia tâm lý Hoàng Anh Tú từng đảm nhiệm vai trò "anh Chánh Văn" trên Báo Hoa Học Trò từ năm 2000 - 2010. Anh từng giữ cương vị Trưởng ban Biên tập Báo Sinh viên Việt Nam, chủ bút của ấn phẩm “2!” và là tác giả của nhiều đầu sách về kỹ năng dạy con. Hiện anh được biết đến với vai trò chuyên gia tư vấn tâm lý tình cảm và bình đẳng giới...
Người tích cực sử dụng năng lượng để tìm giải pháp
Đại dịch Covid-19 đang khiến tỷ lệ người bị stress, khủng hoảng tâm lý gia tăng rõ rệt. Theo anh, mọi người cần chuẩn bị tinh thần, tâm lý vượt qua khủng hoảng như thế nào?
Theo tôi, mỗi cá nhân đều cần học cách cân bằng lại cảm xúc của mình. Tìm kiếm những nguồn năng lượng tích cực, tránh để tâm trạng rơi vào sự lo âu triền miên hoặc bức bối, bất an trong khoảng thời gian dài. Từ chính bản thân mỗi người trước rồi mới đến những người thân quanh mình. Đừng ngại phải cầu cứu hay tìm kiếm sự hỗ trợ bên ngoài. Như phong trào treo cờ trắng ở Malaysia chẳng hạn, đừng ngại ngần treo cờ trắng nếu như bạn gặp vấn đề. Nếu bạn vẫn ổn, hãy để tâm đến người thân, bạn bè xung quanh bạn. Bởi có thể ai đó đang cười nói nhưng trong lòng họ thì bão giông. Trong cơn đại dịch thế này, sự để tâm là thứ cần phải được trao đi nhiều nhất. Nên nhớ, đại dịch không thể chấm dứt trong ngày một ngày hai, hãy chuẩn bị sẵn tâm lý để có thể đương đầu với chúng một cách lâu dài.
Cuộc sống giãn cách khiến nhiều người tìm đến mạng xã hội. Môi trường online có cả năng lượng tiêu cực và tích cực. Làm thế nào đối mặt với tin giả và những tiêu cực?
Tôi cho rằng tin giả (fake news) cũng là một dạng virus vô cùng nguy hiểm. Vì những tin giả chính là một trong những thứ góp phần vào tình trạng khủng hoảng tâm lý của nhiều người. Ngày ngày tiếp nhận những tin giả khiến họ rơi vào tình trạng hoang mang, lo lắng, sợ hãi và có nhiều cách hành xử sai, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng như tin vào những tin giả ăn cái này, uống cái này sẽ không bị Covid-19. Chưa hết, những tin giả đưa thông tin y tế sai càng khiến nhiều người trở thành F0 nhanh hơn hoặc không được cứu chữa kịp thời gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe.
Trong bối cảnh bệnh dịch khắp nơi, bị giãn cách gây bức bối, cộng thêm những lo lắng, bất an về kinh tế, việc làm… khiến tâm lý của phần đông mọi người sẽ dễ nổi nóng hay có cái nhìn u ám, đen tối, dẫn đến việc họ xả lên mạng xã hội những năng lượng tiêu cực. Và nếu chúng ta không "đeo khẩu trang" cho tâm trí mình, cho não bộ của mình, sáng lọc những không khí tiêu cực thì chắc chắn chúng ta sẽ dễ dàng bị ảnh hưởng.
Mỗi người có thể tự tạo cho mình một “chiếc khẩu trang này” bằng cách nào thưa anh?
Chúng ta học cách suy nghĩ tích cực và nói lời cảm ơn mỗi ngày. Nghiên cứu "Science of Gratitude" của Đại học Pennsylvania cho biết, số lượng lời cảm ơn mà chúng ta nói là một trong những yếu tố tạo ra sự hạnh phúc của chúng ta. Nghĩ đến nhiều điều tích cực trước khi đi ngủ bởi để có một giấc ngủ đủ sâu, tâm trí được thả lỏng.
Duy trì sự bi quan là điều vô ích, tốn nhiều năng lượng và làm chúng ta mất tập trung. Người tích cực sử dụng năng lượng để tìm giải pháp. Thay vì cứ loay hoay mãi với những cảm xúc tồi tệ, hãy chọn làm những thứ khiến mình hạnh phúc hơn, vui vẻ hơn. Nếu tìm kiếm mà không có, mình sẽ tự tạo ra nó. Ví dụ như ngắm cảnh đẹp trước nhà, nhìn trẻ con nô đùa, trồng hoa lan, chơi cá cảnh...
Có một câu nói mà tôi vô cùng tâm đắc: “Người tích cực chủ động đóng góp vào việc lan truyền làn sóng hạnh phúc bằng cách nở nụ cười trước. Sự tử tế dẫn đến sự ân cần trong khi không tử tế mang đến sự tàn nhẫn”. Hôm qua, dù chúng ta lỡ tin phải một điều tử tế giả dối thì không có nghĩa là cuộc sống hôm nay đã không còn sự tử tế thật sự nào nữa nhé! Người tích cực sẽ luôn mong chờ sự tốt đẹp sẽ đến chứ không suốt ngày nhớ lại việc tử tế dối trá cũ.
Có thể giương cờ trắng bất kỳ lúc nào
Anh đang tham gia vào rất nhiều hoạt động thiện nguyện. Dường như anh đang phát động một làn sóng tích cực yêu thương, “Hãy yêu nhau đi”... để cùng vượt qua đại dịch?
Chính xác là vậy. Tôi tìm thấy sự tích cực khi tham gia các hoạt động thiện nguyện của nhóm Hạt Vừng. Chứng kiến những tấm lòng của nhiều người dành cho xã hội, những người yếu thế. Việc tham gia các hoạt động thiện nguyện sẽ giúp chúng ta nhận ra giá trị của bản thân, thấy mình giá trị hơn, tốt đẹp hơn rất nhiều. Khi ta chìa tay ra giúp đỡ được ai đó, chúng ta sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc như một phản hồi trở lại vào trong chính tâm hồn chúng ta. Với chương trình “Hãy yêu nhau đi” mà tôi được mời tham gia với VTV3 cũng vậy. Tình yêu trong thời đại dịch này thực sự cứu rỗi được tâm hồn của chúng ta, hàn gắn những thương tổn do đại dịch gây ra trong tâm trí mình.
Vợ chồng anh "Chánh Văn" . |
Nhưng có một thực tế là, nhiều người e ngại trước khi virus Corona tấn công thì nguy cơ bị virus “ly dị” tấn công khi nhiều cặp vợ chồng phải đối diện với nhau 24/7. Anh ý kiến gì về điều này?
Đúng là cũng có thể các cặp vợ chồng khi phải đối diện với nhau 24/7 “nhìn mặt chỉ muốn đấm”. Khi đó rất cần một chiếc “khẩu trang” lọc bớt đi những “giọt bắn” lời nói vào người yêu thương của mình. Ngăn chặn những “giọt bắn” trách cứ, phàn nàn, than thở, mắng mỏ, chửi bới, thóa mạ nhau. Vợ chồng cùng đeo “khẩu trang” để mang lại không khí sạch cho chính ngôi nhà của mình.
Việc nghỉ học kéo dài, hạn chế vui chơi bên ngoài ảnh hưởng không nhỏ tới con trẻ. Anh có lời khuyên gì cho các gia đình?
Khoảng thời gian này là lúc mọi đứa trẻ đều cần được trò chuyện, tương tác nhiều hơn với cha mẹ. Đây là cơ may để các cha mẹ tương tác với con cái bởi nếu chúng đi học chơi với bạn bè thường “bỏ rơi” bố mẹ. Với nhiều gia đình, tôi nghĩ đây là một cơ hội tốt để chúng ta có thể chia sẻ, trưởng thành cùng con. Nhiều gia đình đã biến những ngày nghỉ dịch này thành khóa học kỹ năng cha mẹ dạy con. Hay nhiều gia đình, đây là dịp tốt để cả nhà quây quần cùng nhau làm nhiều điều thú vị. Ví dụ, “dụ dỗ” con làm bánh, vẽ tranh, sáng tạo ra các sản phẩm bán ủng hộ từ thiện...
Gia đình anh "Chánh Văn" Hoàng Anh Tú. |
Anh có cho rằng virus Corona đang dạy cho chúng ta những bài học về tiền bạc, yêu thương, chia sẻ, đoàn kết, thích nghi với hoàn cảnh, môi trường...?
Nhiều bài học chúng ta đang được Covid-19 dạy đấy. Như bài học về tiết kiệm phòng khi xảy ra đại dịch. Bài học về yêu thương, sẻ chia, đoàn kết mà chúng ta thấy rất rõ ràng trong những hình ảnh đẹp suốt thời gian qua. Và nhiều bài học nữa mà mỗi người sẽ có cách rút ra cho riêng mình. Trong nguy luôn có cơ. Việc của chúng ta không phải là ngồi trốn vào một góc hay ôm đầu lo lắng. Hãy tìm ra cho mình một sự trưởng thành sau những đớn đau này.
Bên cạnh thể chất thì chăm sóc tinh thần là điều vô cùng quan trọng để chiến thắng dịch bệnh. Nhiều người thua cuộc vì tâm lý hoang mang, hoảng sợ... Dưới góc độ tâm lý, anh có lời khuyên gì?
Tôi vẫn mong mỗi người hãy học cách thừa nhận, chấp nhận cảm xúc của mình. Đừng cố giấu giếm chúng, đừng cố tránh né chúng và cũng đừng cố thể hiện mình mạnh mẽ. Điều đó hoàn toàn không có lợi trong sức khỏe tâm lý. Hãy đón nhận, thừa nhận, chấp nhận chúng và tìm kiếm giải pháp. Làm dịu tâm trí của mình bằng những việc làm mình yêu thích hoặc có thể đọc sách, nghe nhạc, trò chuyện với bạn bè, người thân nhiều hơn. Tránh xa những thông tin tiêu cực hay những chất kích thích như rượu bia, thuốc lá… Và hãy nhớ, bạn có thể giương cờ trắng bất cứ lúc nào. Điều đó không có nghĩa là bạn yếu đuối. Mà trái lại, điều đó cho thấy bạn dũng cảm dám đối diện với những nguy cơ xảy ra với mình.
Xin cảm ơn anh!