Nguyên tắc "vàng" trong chăm sóc hệ tiết niệu ở người bệnh tổn thương tuỷ sống

Chăm sóc hệ tiết niệu đúng cách là "chìa khoá" giúp cải thiện sức khoẻ, chất lượng cuộc sống của người bệnh tổn thương tuỷ sống.

Bác sĩ Bùi Việt Dũng, Khoa Vật lý trị liệu (Bệnh viện Trung ương quân đội 108) cho biết, rối loạn chức năng bàng quang và niệu đạo do tổn thương tuỷ sống có thể dẫn đến việc tồn dư nước tiểu trong bàng quang, tạo môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển, dễ dẫn đến nhiễm khuẩn đường tiết niệu, suy thận, thậm chí đe doạ tính mạng.

Chăm sóc hệ tiết niệu đúng cách là "chìa khoá" giúp cải thiện sức khoẻ, chất lượng cuộc sống của người bệnh. Những nguyên tắc trong chăm sóc hệ tiết niệu cần lưu ý:

Giữ vệ sinh đường tiết niệu

Đây là biện pháp quan trọng hàng đầu để ngăn ngừa nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Trước và sau khi tiểu hoặc thực hiện thông tiểu, người bệnh cần được vệ sinh vùng sinh dục sạch sẽ bằng nước ấm hoặc dung dịch vệ sinh chuyên dụng.

Đối với dụng cụ thông tiểu cần được vô trùng hoàn toàn và thay thế định kỳ. Tránh sử dụng các dụng cụ tái sử dụng mà không được tiệt trùng đúng cách, vì điều này có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm khuẩn nghiêm trọng.

Chăm sóc hệ tiết niệu đúng cách là "chìa khoá" giúp cải thiện sức khoẻ, chất lượng cuộc sống của người bệnh - Ảnh minh hoạ

Chăm sóc hệ tiết niệu đúng cách là "chìa khoá" giúp cải thiện sức khoẻ, chất lượng cuộc sống của người bệnh - Ảnh minh hoạ

Uống đủ nước mỗi ngày

Đây là thói quen đặc biệt quan trọng đối với người bệnh tổn thương tuỷ sống. Lượng nước được khuyến cáo hàng ngày là từ 1,5-2 lít để giúp hệ tiết niệu hoạt động hiệu quả, tăng khả năng lọc thải và giảm nguy cơ lắng cặn tạo sỏi. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý hạn chế các loại đồ uống gây kích thích bàng quàng như: café, nước ngọt có ga, rượu bia. Nước lọc là lựa chọn tốt nhất để hỗ trợ sức khoẻ đường tiết niệu.

Thực hiện thông tiểu sạch cách quãng

Việc đặt thông tiểu sạch cách quãng được xem là giải pháp cần thiết giúp ngăn ngừa tình trạng nhiễm khuẩn và hạn chế dò rỉ nước tiểu. Phương pháp này sử dụng ống thông vô trùng để dẫn nước tiểu ra ngoài bàng quang một cách định kỳ (thường 4–6 giờ/lần).

Người nhà hoặc người bệnh cần được hướng dẫn kỹ lưỡng bởi các nhân viên y tế để thực hiện phương pháp này đúng cách và thành thạo, đảm bảo bàng quang luôn được làm trống định kỳ, tránh ứ đọng nước tiểu - nguyên nhân chính gây nhiễm trùng. Đồng thời, phương pháp này giúp cản thiện đáng kể chất lượng sống và tuổi thọ của người bệnh tổn thương tủy sống.

Nghiên cứu chỉ ra rằng thông tiểu sạch cách quãng giảm đáng kể biến chứng nhiễm trùng đường tiết niệu so với đặt thông tiểu lâu ngày. Đây là một bước quan trọng mà cả người bệnh và người chăm sóc cần đặc biệt lưu ý để bảo vệ sức khỏe đường tiết niệu lâu dài.

Phục hồi chức năng

Đối với rối loạn tiểu tiện do nguyên nhân thần kinh nói chung, tổn thương tủy sống nói riêng, đặt thông tiểu là biện pháp để bảo vệ đường tiểu trong có đặt sonde tiểu ngắt quãng. Bên cạnh đó, người bệnh có thể tham gia một số biện pháp điều trị, can thiệp giúp cải thiện chức năng bàng quang và cơ thắt niệu đạo, cải thiện khả năng kiểm soát tiểu tiện, giảm bớt các rối loạn.

Người bệnh có thể thực hiện 1 số bài tập cơ sàn chậu dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế hoặc tập luyện bằng phản hồi sinh học (biofeedback) nhằm cải thiện chức năng vận động của cơ thắt và cơ sàn chậu; kích thích điện thần kinh cải thiện hoạt động của cơ thành bàng quang, giảm đau bàng quang.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top