Sơn La: Bãi thải mỏ than suối Bàng nguy cơ sạt lở

Nhiều hộ dân sinh sống gần mỏ than suối Bàng thuộc bản Nà Lồi, xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La) đang nơm nớp lo sợ bị vùi lấp nhà cửa, nguy hiểm đến tính mạng…
Nỗi lo vùi lấp nhà cửa
Phản ánh của người dân đến đường dây nóng của Khoa học và Đời sống/Báo Tri thức và Cuộc sống, trong quá trình thực hiện đầu tư khai thác, đất đá thải tại mỏ than Suối Bàng được chất đống cao trên núi có nguy cơ sạt lở, vùi lấp nhà cửa, tính mạng của người dân địa phương, cùng với đó là tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm sông Đà (lòng hồ thủy điện Hòa Bình). Dù vậy, việc di chuyển người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm hiện đang gặp nhiều vướng mắc.
Là một trong số hộ gia đình nằm tại khu vực có nguy cơ sạt lở cao, ông Cầm Văn Yêu (bản Nà Lồi, xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) cho biết, đầu tháng 5/2024, doanh nghiệp có cử đại diện xuống gặp trưởng bản, Bí thư Đảng ủy, cho biết muốn đổ thải xuống chân núi. Ông Cầm Văn Yêu yêu cầu doanh nghiệp, nếu đổ thải phải di chuyển tất cả người dân dưới chân núi.
“Trước kia các cấp đã đền bù di chuyển 8 hộ, bây giờ còn 9 hộ. Đến tháng 6/2024, mỏ than bắt đầu đổ thải thì có mưa lớn, đất đá ập xuống nhà cửa chúng tôi. May mắn lúc ấy, người nhà không có ai bị thương"- ông Cầm Văn Yêu cho biết.
Theo ông Yêu, phía địa phương và doanh nghiệp trước mắt muốn hỗ trợ cho 3/9 hộ còn lại di chuyển khỏi khu vực. Tiền hỗ trợ dự kiến mỗi hộ là 42 triệu đồng (trong đó 2 triệu đồng là tiền chuyển nhà), còn lại là hỗ trợ đổ nền. Đất dựng nhà thì người dân phải tự tìm.
"Bây giờ chúng tôi chuyển đi chỗ khác phải mua đất, hỗ trợ như vậy làm sao mua được đất, dựng được nhà. Mong các cấp xem xét đúng thực tế, hỗ trợ, sớm đưa bà con chúng tôi ra khỏi vùng nguy hiểm. Nếu tiếp tục mưa lớn, không biết chúng tôi sẽ bị nước lũ cuốn đi lúc nào”, ông Yêu ngậm ngùi nói.
Son La: Bai thai mo than suoi Bang nguy co sat lo, dan nom nop lo so
Bà Mùi Thị Xịch (người dân bản Nà Lồi) có nhà gần mỏ than nơm nớp lo sợ bị vùi lấp nhà cửa, tính mạng.
Nằm cách nhà ông Yêu khoảng 15m, hộ gia đình bà Mùi Thị Xịch (bàn Nà Lồi) cũng đang nằm trong diện nguy cơ sạt lở. Bà Xịch cho biết: “Chính quyền và công ty họ đến, bảo chúng tôi đi tìm lấy chỗ ở, khắp nương, khắp đồi. Bây giờ mua một nền nhà cũng 70 triệu đồng, chúng tôi làm nương rẫy biết lấy tiền đâu ra.
Đợt mưa bão số 3 Yagi, đất đá sạt từ bãi thải mỏ than chảy xuống cũng tràn hết vào nhà tôi, nhưng khi huyện, xã và công ty xuống thì nói là mưa lũ thiên tai, chứ không phải đất đá từ mỏ than trôi xuống. Từ lúc đất đá sạt xuống, các cấp mới xuống bảo chúng tôi di dời, trước kia không bảo vì chúng tôi không nằm trong quy hoạch dự án”.
Son La: Bai thai mo than suoi Bang nguy co sat lo, dan nom nop lo so-Hinh-2
Nhiều đoạn đường đất xe chở than chạy qua đã gây hư hỏng, gồ ghề, lầy lội.
Bên cạnh đó, người dân địa phương còn cho biết do nằm gần với khu vực mỏ than suối Bàng nên hàng ngày họ còn bị “tra tấn” bởi tiếng ồn từ hoạt động mỏ. Đường xá bị xe tải chở than cày nát hư hỏng, đi lại khó khăn, mất an toàn.
“Đất đá thải, xe chở than chạy ầm ầm cả ngày cả đêm chúng tôi không được ngủ. Đường đi thì hư hỏng, bụi than mù mịt”, bà Mùi Thị Xịch cho hay.
Theo ghi nhận của phóng viên những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11/2024, hoạt động khai thác, đổ thải tại mỏ than suối Bàng diễn ra rầm rộ. Nhiều máy móc, công nhân làm việc hết công suất. Trong khi đó các hộ dân phản ánh trong vùng nguy cơ sạt lở đều nằm ở chân núi, cách mỏ than khoảng vài trăm mét, cuối dòng chảy của một con suối về phía lòng sông Đà. Dòng suối đã bị sạt lở, nhiều đoạn sạt sâu tới 2-3m. Dọc suối vẫn còn nhiều hòn đá khổng lồ bị cuốn theo dòng chảy trong đợt mưa bão số 3 Yagi vừa qua, nằm ngổn ngang.
Son La: Bai thai mo than suoi Bang nguy co sat lo, dan nom nop lo so-Hinh-3
Dọc con suối chảy về bến Lồi vẫn còn nhiều hòn đá khổng lồ nằm ngổn ngang.
Thời điểm phóng viên ghi nhận, có nhiều lượt xe “hổ vồ” chở than từ mỏ chạy qua đây hướng về bãi tập kết bến Lồi nằm trên bờ sông Đà, sau đó mới múc than lên thuyền lớn chở đi. Nhiều đoạn đường đất xe chở than chạy qua đã gây hư hỏng, gồ ghề, lầy lội khiến người dân di chuyển khó khăn.
Nguyên nhân do đâu?
Theo tìm hiểu của phóng viên, mỏ than suối Bàng là mỏ than mỡ đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND tỉnh Sơn La quản lý và khai thác ban hành Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 24/7/2001. Thực hiện quy định của Luật khoáng sản, UBND tỉnh Sơn La đã cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 3099/QĐ-UBND ngày 8/12/2010 cho Công ty cổ phần đầu tư khoáng sản KTB (thời hạn đến hết năm 2029, Công ty tiếp tục khai thác theo quy định tại Điều 84 Luật Khoáng sản) và Giấy phép khai thác khoáng sản số 1975/QĐ-UBND ngày 30/8/2011 cho Công ty cổ phần khoáng sản Sơn La (thời hạn đến ngày 31/7/2021).
Son La: Bai thai mo than suoi Bang nguy co sat lo, dan nom nop lo so-Hinh-4
Bãi tập kết than ở bến Lồi, nằm trên bờ sông Đà nguy cơ gây ô nhiễm lòng sông.
Trong quá trình khai thác than, vị trí các đường hầm lò theo thiết kế đã không gặp được các vỉa than nên Công ty cổ phần khoáng sản Sơn La tự ý chuyển đổi phương pháp khai thác hầm lò sang khai thác lộ thiên. UBND tỉnh Sơn La đã xử phạt hành chính Công ty cổ phần khoáng sản Sơn La 400 triệu đồng, yêu cầu đơn vị phải dừng hoạt động từ năm 2020 để khắc phục các tồn tại, vi phạm. Trong thời gian này, Công ty đề xuất xin phép được thăm dò nâng cấp trữ lượng khoáng sản tại khu vực được cấp phép để làm cơ sở lập lại thiết kế mỏ khai thác cho hiệu quả và điều chỉnh phương pháp khai thác trong giấy phép cho phù hợp với thực tế.
Đến ngày 12/3/2024, UBND tỉnh Sơn La có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường mỏ than Suối Bàng. Ngày 18/06/2024, UBND tỉnh Sơn La ra văn bản cho phép Công ty cổ phần khoáng sản Sơn La chuyển mục đích sử dụng đất để đầu tư dự án.
Chính quyền địa phương nói gì?
Tại buổi làm việc với phóng viên Khoa học và Đời sống/ Báo Tri thức và Cuộc sống ngày 04/11/2024, ông Vì Văn Huy - Chủ tịch UBND xã Suối Bàng (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) cho biết, trước kia 8 hộ dân bản Nà Lồi nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao nhất, nguy hiểm đã được chuyển di dời đến nơi tái định cư. Hiện còn 9 hộ nằm ngoài dự án, nhưng đều có ảnh hưởng bởi mỏ than (cả sạt lở và môi trường), trong đó 3 hộ nguy cơ sạt lở cao nhất.
Về trách nhiệm và thẩm quyền, UBND xã Suối Bàng đã có báo cáo lên UBND huyện Vân Hồ. Tuy nhiên, các hộ đều cho rằng đền bù chưa thỏa đáng nên chưa chịu di dời.
“Hỗ trợ làm nền, bốc dỡ nhà cửa của người dân là bên phía mỏ than chịu. Theo quy định, Nhà nước sẽ hỗ trợ 40 triệu đồng”, ông Huy thông tin.
Mời độc giả xem video: Bãi thải mỏ than suối Bàng nguy cơ sạt lở, dân nơm nớp lo sợ.
Tại buổi làm việc, ông Huy cung cấp thêm cho phóng viên báo cáo số 124 ngày 30/09/2024 của UBND xã Suối Bàng gửi UBND huyện Vân Hồ, Phòng TN&MT huyện, Phòng NN&PTNT huyện.
Nội dung báo cáo trình bày, ngày 20/09/2024 do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, một phần ảnh hưởng do dòng chảy từ chân đồi bãi thải mỏ than và từ chân bờ kè của mỏ tạo thành dòng chảy trôi nước, bùn dần xuống, tạo thành rãnh sâu mạnh, sạt lở hai bên suối thành lũ ống, lũ quét, tràn đất vào 2 hộ gia đình ở khu bến Lồi. 7 hộ còn lại có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét rất cao. Đoạn đường ra bến Lồi không còn lưu thông được do mặt đường bị lũ quét dài khoảng 40m, rộng 4m.
UBND xã đã thực hiện công tác “4 tại chỗ” đảm bảo an toàn cho các hộ dân đang sinh sống tại bến Lồi, kịp thời sơ tán khẩn cấp người và tài sản về ở nhà người thân, không có thiệt hại về người. Tuy nhiên, để khắc phục lưu thông đoạn đường ra bến Lồi, UBND xã đã kết hợp với hai công ty khoáng sản KTB và khoáng sản Sơn La huy động máy xúc và các xe chở đá xuống san gạt, lấp để tu sửa đoạn đường đã bị hư hỏng… nhưng không nhận được sự đồng tình của 9 hộ dân. Các hộ kiên quyết giữ nguyên hiện trường đất đá, bùn trôi xuống nhà, xuống đường.
“Các hộ cũng gửi đơn yêu cầu Công ty khoáng sản Sơn La dừng đổ thải và yêu cầu các cấp có thẩm quyền đình chỉ việc đổ thải của mỏ, để đến khi các hộ được giải quyết theo nội dung đơn mới được tiến hành khắc phục” - trích nội dung báo cáo.
Cũng theo báo cáo, UBND xã Suối Bàng cùng với các tổ chức chính trị xã hội đã thực hiện 3 cuộc tuyên truyền, vận động từng bước khắc phục khó khăn nhưng các hộ kiên quyết không cho tu sửa con đường ra bến Lồi.
Theo Đời sống
Cấp đổi lại giấy phép lái xe từ 1/1/2025

Cấp đổi lại giấy phép lái xe từ 1/1/2025

Giấy phép lái xe trước năm 2025 vẫn được tiếp tục sử dụng theo thời hạn ghi trên đó mà không phải thi lại. Giấy phép lái xe được cấp trước ngày 1/1/2025 tiếp tục sử dụng theo thời hạn ghi trên Giấy phép lái xe.
Đối tượng sắp được tăng lương hưu

Đối tượng sắp được tăng lương hưu

Từ ngày 1/7/2025 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực quy định lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.
Quy định mới về khám sức khỏe với lái xe

Quy định mới về khám sức khỏe với lái xe

Trường hợp khám sức khỏe để cấp đổi giấy phép lái xe bắt buộc phải xét nghiệm nồng độ ma túy (xét nghiệm 5 loại ma túy, thông tư cũ là 4 loại). Đồng thời, không bắt buộc xét nghiệm nồng độ cồn 100%. 
back to top