Biến thể Delta biến mất ở Nhật Bản, virus SARS-CoV-2 “tuyệt chủng”?

Theo các nhà nghiên cứu Nhật Bản, có thể biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đã tự bảo vệ mình trong một hành động gọi là “tự tuyệt chủng”.

Tại sao làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ năm và lớn nhất của Nhật Bản, do biến thể Delta siêu lây lan, đột ngột kết thúc sau sự gia tăng dường như không ngừng các ca mắc mới?

nguoi-dan-nhat-ban.jpeg
Dòng người tấp nập ở Shibuya, Tokyo (Ảnh: Reuters)

Điều gì đã khiến Nhật Bản trở nên khác biệt so với các quốc gia khác hiện đang chứng kiến ​​một sự gia tăng đột biến về các trường hợp mắc Covid-19 mới?

Biến thể Delta 3 tháng qua đã gây ra kỷ lục gần 26.000 ca mắc mới mỗi ngày tại Nhật Bản. Nhưng hiện nay, các ca nhiễm Covid-19 mới ở nước này đang giảm mạnh, dưới 200/ngày trong những tuần gần đây. 

Hơn thế nữa, không có trường hợp tử vong nào lần đầu tiên đã được báo cáo vào ngày 7/11, sau khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra trong khoảng 15 tháng.

Nhiều học giả đưa ra nhiều khả năng khác nhau. Bao gồm, tỷ lệ bao phủ văcxin ngừa Covid-19 cao với 75,7% cư dân được tiêm đủ 2 liều.

Các yếu tố bảo vệ khác là biện pháp giãn cách xã hội và đeo khẩu trang hiện đã ăn sâu vào xã hội Nhật Bản.

Japan Times đưa tin, lý do chính, theo các chuyên gia, có thể liên quan đến những thay đổi di truyền mà coronavirus trải qua trong quá trình sinh sản, với tốc độ khoảng 2 đột biến mỗi tháng.

GS Ituro Inoue, Viện Di truyền Quốc gia, đã đưa ra giả thuyết rằng biến thể Delta ở Nhật Bản đã tích lũy quá nhiều đột biến đối với một protein phi cấu trúc, có chức năng sửa lỗi gene di truyền của virus được gọi là nsp14.

Kết quả là, virus phải vật lộn để sửa chữa quá nhiều lỗi trong thời gian, dần rối loạn chức năng sửa lỗi, cuối cùng dẫn đến “tự hủy diệt”.

nhat-ban.jpeg
Các chuyên gia y tế Nhật Bản nghĩ rằng tại một số thời điểm trong quá trình đột biến như vậy, virus SARS-CoV-2 sẽ hướng thẳng đến sự tuyệt chủng tự nhiên của mình. Ảnh: Kyodo

Nhiều nghiên cứu cho thấy người châu Á có một loại enzyme phòng vệ gọi là APOBEC3A, chuyên tấn công vào các thông tin di truyền ARN của virus, bao gồm cả virus SARS-CoV-2 gây ra Covid-19.

Vì vậy, các nhà nghiên cứu từ Viện Di truyền Quốc gia và Đại học Niigata đã bắt đầu khám phá cách thức APOBEC3A ảnh hưởng đến protein nsp14 và xem liệu nó có thể ức chế hoạt động của coronavirus hay không.

Nhóm đã tiến hành phân tích dữ liệu di truyền của các biến thể Alpha và Delta từ các mẫu bệnh phẩm Covid-19 ở Nhật Bản từ tháng 6 đến tháng 10.

Các nhà khoa học nhận thấy các đột biến dường như đột ngột dừng lại ở giữa quá trình tiến hóa của virus.

Khi các nhà nghiên cứu tiếp tục kiểm tra enzym sửa lỗi nsp14 của virus, họ phát hiện ra rằng phần lớn các mẫu nsp14 ở Nhật Bản dường như đã trải qua quá nhiều thay đổi di truyền tại các vị trí đột biến.

Theo nhận định của các chuyên gia của Viện Di truyền Quốc gia, biến thể Delta ở Nhật Bản rất dễ lây lan và loại bỏ bớt các biến thể virus khác.

Nhưng khi các đột biến chồng chất lên nhau sẽ biến nó trở thành “virus bị lỗi” và nó không thể tạo ra các bản sao của chính nó. Hiện nay, các trường hợp mắc Covid-19 không gia tăng thêm nữa.

Các chuyên gia y tế Nhật Bản nghĩ rằng tại một số thời điểm trong quá trình đột biến như vậy, virus SARS-CoV-2 sẽ hướng thẳng đến sự tuyệt chủng tự nhiên của mình.

khu-pho-tai-osaka.jpeg
Các giả thuyết đang hỗ trợ giải thích cho sự biến mất bí ẩn của biến thể delta vốn đang lan rộng ở Nhật Bản. Ảnh: Kyodo

Trong khi phần lớn các quốc gia còn lại trên thế giới có tỷ lệ tiêm chủng cao tương tự, bao gồm cả Hàn Quốc và một số nước phương Tây, đang phải hứng chịu những đợt nhiễm mới kỷ lục.

Nhật Bản dường như là một trường hợp đặc biệt khi các ca nhiễm Covid-19 vẫn đang giảm bớt mặc dù có tàu hỏa và nhà hàng lấp đầy người sau khi kết thúc tình trạng khẩn cấp mới đây.

Theo Đời sống
back to top