Dự báo dịch của TPHCM không theo kịp tốc độ lây của biến chủng Delta

Đây là một trong những bài học của ngành y tế TPHCM trong những ngày đầu của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư vừa qua.

Đó là đánh giá của TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM tại Hội nghị Sơ kết công tác phòng, chống dịch Covid-19 của ngành y tế thành phố.

xet-nghiem.jpg
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhìn nhận, có thời điểm, thành phố lấy mẫu rất nhiều nhưng kết quả trả về khá trễ, mất đi ý nghĩa của việc tách F0 khỏi cộng đồng. 

Thời gian đầu của dịch bệnh, đặc biệt trong đợt bùng phát thứ tư vừa qua, xét nghiệm RT-PCR được xem là phương pháp chủ yếu để phát hiện, bóc tách F0, ngăn chặn sự lây lan.

Tuy nhiên, xét nghiệm này cần thời gian, trong khi biến chủng Delta tốc độ lây lan quá nhanh, làm số lượng ca nhiễm tăng nhanh, lan sâu trong cộng đồng.

dieu-tri-bn-covid.jpg
Biến chủng Delta tốc độ lây lan quá nhanh, làm số lượng ca nhiễm tăng nhanh, lan sâu trong cộng đồng.

“Biến chủng Delta đã được ghi nhận, cảnh báo tại nhiều nơi trên thế giới như Ấn Độ, Indonesia nhưng quá trình phát hiện, dự báo tại TPHCM vẫn chưa theo kịp tốc độ lây lan. Có thời điểm, thành phố lấy mẫu rất nhiều nhưng kết quả trả về khá trễ, mất đi ý nghĩa của việc tách F0 khỏi cộng đồng,” TS.BS Vĩnh Châu cho biết.

Bên cạnh đó, chiến dịch tiêm văcxin cũng tồn tại nhiều thiếu sót. Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, triển khai tiêm trong thời gian ngắn, nên việc huy động đội ngũ từ nhiều nơi, không đồng đều trong khả năng của các đội tiêm. Công tác nhập liệu hay hướng dẫn cũng như tuân thủ giãn cách ở người đến tiêm chưa tốt.

bv-da-chien.jpg
Hơn 80.000 cán bộ nhân viên y tế đã được huy động hỗ trợ TPHCM trong công tác điều trị, xét nghiệm, tiêm vắcxin cho người dân trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư.

Khả năng chăm sóc, phục vụ của nhân viên y tế cũng quá tải, dẫn đến nhiều F0 không được chăm sóc toàn diện, không phát hiện chuyển viện kịp thời lên tuyến trên.

PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, có thời điểm, ngành y tế phải xây dựng 2-3 bệnh viện dã chiến/tuần. Mỗi bệnh viện có 2.000 - 3.000 giường. Trong khi, mỗi một ổ dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố phát hiện vài chục đến vài trăm ca.

Chỉ một ngày, bệnh nhân Covid-19 chuyển vào đầy ắp cả bệnh viện dã chiến. Nhiều ca chuyển nặng, tử vong rất nhanh. Từ vài chục ca ban đầu, đỉnh điểm có ngày 340 ca tử vong. Đối với thành phố, với người làm ngành y, đó là cú sốc rất lớn.

Đến khi F0 được cách ly, điều trị tại nhà kể từ cuối tháng 7/2021, hệ thống y tế và dự phòng chưa được đầu tư đúng mức khiến F0 quá tải và tăng nguy cơ tử vong… Ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch Covid-19 còn manh mún, chưa khoa học và cũng không đồng bộ.

Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, những hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, Covid-19 là đại dịch mới, chưa có tiền lệ trên thế giới lẫn Việt Nam. Chủng Delta lây lan nhanh trong khi TPHCM đông dân, nhiều khu dân cư đông đúc, chật chội.

chich-ngua-cho-nguoi-cao-tuoi.jpg
Ngành y tế đã thay đổi chiến lược dự phòng, xử lý ổ dịch và điều trị một cách linh hoạt. 

Ngành y tế đã thay đổi chiến lược dự phòng, xử lý ổ dịch và điều trị một cách linh hoạt như thí điểm cách ly F1, F0 tại nhà với các túi thuốc A, B và C; chuyển chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng với các trạm y tế lưu động; bệnh viện tháp 3 tầng điều trị; đẩy nhanh tốc độ tiêm văcxin ngừa Covid-19 cho người lớn và cả trẻ từ 12 - 17 tuổi…

Trên Hệ thống Quốc gia Quản lý Ca bệnh Covid-19, ngày 31/10 TPHCM ghi nhận 1.041 trường hợp nhiễm mới. Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ 27/4 đến nay, TPHCM đã có tổng cộng 428.725 trường hợp nhiễm Covid-19 được Bộ Y tế công bố.

Theo Đời sống
back to top