Những UAV này tấn công vào kho dữ trữ tên lửa, nhưng bị hệ thống phòng không C-RAM (có thể đánh chặn tên lửa không điều khiển, đạn pháo và đạn súng cối) của Mỹ bắn hạ.
Không có thương vong và thiệt hại. Cũng không có nhóm chiến binh kháng chiến chống Mỹ Iraq nào nhận trách nhiệm đến thời điểm này.
Ayn al-Assad là một trong những căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Iraq, diện tích 10 km2. Từ đây, UAV Mỹ đã tiến hành chiến dịch ám sát Thiếu tướng Qassem Soleimani, tư lệnh trưởng Lực lượng Quds Iran và Abu Mahdi al-Muhandis, phó chỉ huy thứ hai Lực lượng Các Đơn vị Động viên Rộng rãi Iraq.
Một năm trước, ngày 8/1/2020, Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) phóng đến 22 quả tên lửa Fateh-313 và các tên lửa tầm xa Intifada tại căn cứ không quân Ayn al-Assad của Mỹ.
Chiến dịch mang tên "Shahid Suleimani" là phản ứng đối với vụ ám sát Soleimani.
Theo kết quả, được công bố trên truyền thông đại chúng, các cơ sở hạ tầng và trang thiết bị của Mỹ như trực thăng và cơ sở bảo trì, bảo dưỡng trực thăng, Trung tâm Chỉ huy và điều hành tác chiến bị phá hủy hoàn toàn.
Lực lượng kháng chiến Iraq tuyên bố, Mỹ phải rút hết quân đội Mỹ và nước ngoài khỏi Iraq trước ngày 31/12/2021, nếu không họ sẽ tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn. Các lực lượng Liên quân do Mỹ dẫn đầu hiện đang rất thận trọng, do thời hạn theo tuyên bố đã hết vào ngày 31/12.
Trước đó, tháng 1/2020, Hội đồng Đại diện Iraq thông qua một biện pháp không ràng buộc trục xuất tất cả quân đội nước ngoài khỏi lãnh thổ Iraq.
Liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu tuyên bố, việc chuyển giao các căn cứ quân sự cho lực lượng an ninh Iraq là kết quả của sự phát triển thành công trong sứ mệnh chống IS, không phải do sức ép từ số lượng các cuộc tấn công ngày càng tăng nhằm vào các vị trí và các lợi ích Mỹ.
Từ đầu năm 2020, liên quân do Mỹ đứng đầu tuyên bố rút các lực lượng khỏi nhiều căn cứ quân sự, chuyển giao cho lực lượng an ninh Iraq:
Ngày 23/9/2020, Liên quân do Mỹ dẫn đầu bàn giao Trại Taji. Ngày 26/3/2020 bàn giao căn cứ không quân Qayyara; Ngày 29/3/2020 bàn giao căn cứ quân sự K1; Ngày 4/4/2020 bàn giao Căn cứ Không quân Taqaddum cho các lực lượng Iraq.
Sau khi chuyển giao các căn cứ quân sự cho quân đội Iraq, Mỹ tập trung lực lượng vào một số căn cứ quân sự lớn trong quyền kiểm soát như Căn cứ không quân Ayn Al-Assad hay Camp Victory.
Mỹ tuyên bố chính thức chấm dứt các hoạt động chiến đấu ở Iraq, nhưng quân đội nước ngoài vẫn ở lại Iraq để thực hiện các nhiệm vụ “huấn luyện và hỗ trợ”.
Phát ngôn viên quân đội Iraq, chuẩn tướng Yahya Rasool gần đây tuyên bố, căn cứ không quân Ayn al-Assad thuộc quyền kiểm soát của Quân đội Iraq.
Theo các nguồn tin từ chính quyền Baghdad, sư đoàn 7 quân đội Iraq hiện đang đóng quân tại đây.
Các lực lượng quân sự nước ngoài được cho là đã rút khỏi nhiều sở chỉ huy tại căn cứ, lực lượng cố vấn đóng quân tại một số địa điểm, cung cấp sự hỗ trợ cần thiết như vũ khí, phương tiện và trang thiết bị đồng thời huấn luyện các lực lượng Iraq.
Tháng 12/2021, một quan chức an ninh cấp cao của Iraq tại al-Anbar tuyên bố, “theo kết quả vòng đàm phán thứ tư, tổ chức vào cuối tháng 7 giữa Thủ tướng Mustafa al-Kadhimi và Tổng thống Mỹ Joe Biden, các căn cứ không quân Ayn al- Asad và Harir sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực đường không và huấn luyện. Mọi kế hoạch đóng cửa hoặc rút quân đội nước ngoài khỏi Ayn al-Asad không được đặt ra trong tương lai. Căn cứ không quân là một điểm tập kết cần thiết để yểm trợ trên không, phân tích thông tin tình báo, tiến hành những cuộc họp giao ban cần thiết và quan trọng giữa quân đội Iraq và Liên quân trong cuộc chiến chống lại tàn dư của IS”.
Chính quyền Iraq và quân đội Mỹ không thông báo con số chính xác lực lượng còn lại. Quan chức cấp cao Iraq, quận trưởng quận al-Baghdadi Shar khôi al-Obaidi, trả lời phỏng vấn hãng tin Shafaq cho biết: “Lực lượng liên quân tại căn cứ không quân Ayn al-Asad chỉ mang tính chất cố vấn. Họ phụ trách huấn luyện và trang bị cho lực lượng quân đội Iraq, lên kế hoạch cho các chiến dịch tiêu diệt IS ở al-Anbar. Không có lực lượng chiến đấu của Liên quân”.
Các lực lượng Hồi giáo kháng chiến Iraq không chấp nhận sự hiện diện của bất kỳ quân đội nước ngoài nào ở Iraq, kể cả những đơn vị "phi chiến đấu".
Kể từ đầu năm 2021, cuộc tấn công vào Ayn al-Assad trở thành cuộc tấn công thứ 2 vào lực lượng Mỹ ở Iraq.
Ngày 3/1, hai máy bay không người lái tự sát trong khuôn khổ Chiến dịch Thaar al-Qada (Chiến dịch trả thù cho các Chỉ huy) tấn công vào các vị trí của quân đội Mỹ trong căn cứ quân sự Camp Victory nằm gần Sân bay Quốc tế Baghdad.
Ngày 31/12, lực lượng kháng chiến chống Mỹ người Shiite phóng 4 quả rocket 107 mm vào căn cứ quân sự Mỹ ở tỉnh Deir ez-Zor, miền đông Syria.
Cùng với việc tấn công các cơ sở quân sự Mỹ, lực lượng kháng chiến Iraq tiếp tục tấn công các đoàn xe vận tải quân sự Mỹ ở Iraq hầu như hàng ngày.
Các nhóm kháng chiến Iraq tuyên bố rằng sự hiện diện của các lực lượng Mỹ dưới bất kỳ tên gọi nào trên đất nước đều được coi là sự chiếm đóng bất hợp pháp và không có sự khác biệt giữa lực lượng chiến đấu và cố vấn.
Các cuộc tấn công vào những căn cứ của liên quân do Mỹ dẫn đầu và những đoàn xe tiếp tế sẽ tiếp tục tăng lên trong những ngày tới.