Đức có thể sẽ cung cấp hệ thống tên lửa phòng không tầm trung cho Ukraine

Ngày 13/5, trang Bild cho biết, Đức đang xem xét cung cấp hệ thống tên lửa phòng không tầm trung IRIS-T SLM cho quân đội Ukraine.

Theo hãng tin Đức, hội đồng an ninh của chính phủ Đức đang thảo luận vấn đề này. Hệ thống tên lửa phòng không IRIS-T SLM do nhà sản xuất vũ khí Đức Diehl Defense chế tạo, có thể được viện trợ cho Ukraine từ tháng 11 nếu quyết định được đưa ra.

Hệ thống tên lửa phòng không IRIS-T SLM có thể tấn công các mục tiêu trên không trên khoảng cách 40 km ở độ cao hơn 19 km. Vũ khí chính của hệ thống phòng không, tên lửa IRIS-T SL được phóng và dẫn đường tới mục tiêu bằng một liên kết dữ liệu.

Khi đến gần, tên lửa khóa mục tiêu bằng thiết bị tìm kiếm hồng ngoại hình ảnh, thu được từ mục tiêu trong giai đoạn cuối.

Hệ thống tên lửa phòng không IRIS-T SLM do nhà sản xuất vũ khí Đức Diehl Defense phát triển. Ảnh The Drive

Tên lửa IRIS-T, nguyên mẫu của tên lửa IRIS-T SL so với tên lửa không đối không AIM-9 Sidewinder tại một cuộc thử nghiệm trên Căn cứ Không quân Manching, Đức. Ảnh The Drive

Tên lửa không có thiết bị dò tìm radar chủ động, do đó không thể bị gây nhiễu hoặc nhầm lẫn với các mục tiêu giả, sẽ không tạo ra cảnh báo trực tiếp đối với máy bay mục tiêu thông qua phát xạ radar. Tên lửa được dẫn bằng radar điều khiển hỏa lực của hệ thống hoặc có thể được dẫn đường đến khu vực mục tiêu bằng radar của một phương tiện chiến đấu khác.

Hệ thống phòng không được trang bị radar phát hiện, giám sát và theo dõi mục tiêu TRML-4D do Hensoldt của Đức sản xuất. Radar có an ten AESA (Mảng pha quét điện tử chủ động) với tầm quan sát tối đa đến 250 km và khả năng theo dõi 1.500 mục tiêu cùng lúc.

Hệ thống IRIS-T SLM được thiết kế để tiêu diệt hầu hết các mục tiêu đường không như máy bay ném bom chiến lược, máy bay chiến đấu, trực thăng tấn công, tên lửa chống radar, tên lửa hành trình, bom dẫn đường độ chính xác cao, máy bay không người lái và tên lửa chiến thuật của đối phương.

Hệ thống tên lửa phòng không IRIS-T SLM của nhà sản xuất vũ khí Đức Diehl Defense. Video Defence Simplified

Ukraine muốn được viện trợ 10 hệ thống phòng không IRIS-T SLM, được sản xuất trong vòng 3 đến 4 năm tới. Nếu chính phủ Đức phê duyệt kế hoạch này, quá trình đào tạo các trắc thủ Ukraine cho hệ thống có thể sẽ bắt đầu.

Nhược điểm của hệ thống phòng không IRIS-T SLM là tầm bắn hạn chế và hệ thống dẫn đường giai đoạn cuối sử dụng quang ảnh hồng ngoại dễ bị gây nhiễu các loại đạn pháo sáng đối phó chủ động.

Đức đang nỗ lực phát triển khả năng phòng không của quân đội Ukraine. Berlin đã cung cấp cho quân đội Ukraine 2.700 tổ hợp Strela-2M do Liên Xô sản xuất và 500 tổ hợp FIM-92 Stinger do Mỹ sản xuất (MANPAD). Berlin cũng tuyên bố sẽ cung cấp 50 pháo phòng không tự hành Flakpanzer Gepard do Đức sản xuất.

Kế hoạch cung cấp hệ thống phòng không IRIS-T SLM cho Ukraine có một điểm yếu, Diehl Defense sẽ mất nhiều thời gian để sản xuất những hệ thống này. Ngay cả khi một số hệ thống được sản xuất và cung cấp nhanh chóng, những tổ hợp vũ khí mới với những tính năng kỹ chiến thuật đã nêu không tạo ra được ưu thế trên chiến trường mà có thể rất nhanh sẽ bị tiêu diệt.

Quân đội Ukraine hiện có các hệ thống phòng không tầm trung Buk-M1 do Liên Xô sản xuất nhưng vận hành không thành công, công nghiệp quốc phòng thời chiến của Ukraine không đáp ứng được yêu cầu chiến tranh nếu sử dụng các phương tiện chiến đấu phương Tây như phục hồi, sửa chữa.

Thực tế, việc Kiev yêu cầu Đức viện trợ các tổ hợp phòng không IRIS-T SLM có mục đích lớn hơn là biến Đức và các quốc gia châu Âu trở thành hậu phương cho tiền phương Ukraine.

Theo Đời sống - Tri thức cuộc sống
back to top