Truyền thông mạng xã hội ủng hộ đối lập Syria công bố video, ghi lại cảnh bom lượn thông minh (UAV tự sát) bay qua miền nam Idlib trước khi tấn công mục tiêu.
Bom lượn có thiết kế cánh hình chữ X, tương tự như UAV tự sát ZALA Lancet, do công ty ZALA AERO, công ty thành viên của Tập đoàn Kalashnikov chế tạo và được thử nghiệm trên chiến trường Syria.
Một số tài khoản mạng xã hội tuyên bố, bom lượn thông minh do quân đội Nga sử dụng. Nhưng các tài khoản khác cho rằng, quân đội Syria đã sử dụng các UAV tự sát do Iran sản xuất.
Video cho thấy, UAV tự sát có cấu trúc giống như bom lượn thông minh của Israel hoặc của Nga nhiều hơn. Quân đội Syria cũng có thể đã có trong biên chế UAV ZALA Lancet của tập đoàn Kalashnikov.
Vài giờ trước khi xảy ra vụ tấn công bằng bom lượn thông minh, không quân Nga Nga thực hiện 4 cuộc không kích vào vùng ngoại ô các thị trấn Ghassaniyeh và Alyeh, phía tây Idlib.
Theo Đài quan sát Nhân quyền Syria (SORH) có trụ sở tại London, ủng hộ đối lập, thánh chiến, không quân Nga đã thực hiện 185 cuộc không kích trừng phạt HTS và các nhóm khủng bố Al-Qaeda Syria ở Greater Idlib, kể từ đầu tháng 9.
Trên chiến trường Syria, Nga, Mỹ, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đều sử dụng các loại UAV quân sự khác nhau, thực hiện các nhiệm vụ từ trinh sát, tình báo, giám sát chiến trường, chỉ thị mục tiêu cho pháo binh, không quân và trực tiếp tiến hành các cuộc tấn công. Các nhóm vũ trang nổi dậy khác cũng sử dụng UAV tự chế, UAV thương mại để tấn công quân đội Syria, ngược lại, quân đội Syria cũng sử dụng UAV hỗ trợ các phương tiện hỏa lực hoặc trực tiếp tấn cống các nhóm thánh chiến.
Với tốc độ phát triển chóng mặt của các công nghệ phương tiện chiến đấu không người lái, trí tuệ nhân tạo và hệ thống điều khiển từ xa. Từ chiến trường Syria có thể thấy, trong khoảng một vài thập kỷ tới, lực lượng robot quân sự và tác chiến điện tử sẽ là lực lượng tác chiến chính trên các chiến trường xung đột cường độ thấp. UAV sẽ đóng vai trò quan trọng trong khả năng giành chiến thắng trên chiến trường như ở Syria.