Vị thuốc Đông y: Thược dược trị rong kinh, ốm yếu gầy mòn

Thược dược hay bạch thược có tên khoa học là Paconia lactiflora Pall, thường dùng rễ, thân rễ. Nên chọn thứ to mập bằng đầu ngón tay, dài 10 -15cm, thịt trắng hồng, ít xơ, thái lát mới dùng.

Thược dược di thực vào Việt Nam trồng ở Sa Pa, do nhu cầu phần nhiều được nhập từ Trung Quốc. Thược dược vị hơi chua, tính mát, vào tâm, can, tỳ, phế có tác dụng thanh can, tư âm, liễm âm khí. Dùng sống chữa ngoại cảm, tả, lỵ, phong nhiệt. Sao chín chữa các chứng bệnh về huyết, thông kinh.

- Trị âm hư khí uất mà không sốt: Cam thảo 4,8g, hương phụ 30g, phiến cầm 6g, thược dược 38g, thương truật 16g tán bột, làm hoàn. Mỗi lần dùng 10g, uống với nước nóng. Tác dụng sơ can, giải uất, dưỡng âm, thanh nhiệt.

- Trị can âm bất túc gây ra đầu váng, hoa mắt, tai ù, cơ run giật, chân tay tê: Thược dược, toan táo nhân đều 20g, đương qui, thục địa mỗi thứ 16g, mạch môn 12g, xuyên khung, mộc qua mỗi thứ 8g, cam thảo 4g sắc nước uống.

- Trị phụ nữ hông sườn hay bị đau: Thược dược, diên hồ sách, nhục quế, hương phụ tán bột, mỗi lần uống 8g với nước ấm.

- Trị cơ co giật: Thược dược, cam thảo mỗi thứ 16g sắc uống.

- Trị doanh khí thương tổn, khí nghịch sốt không giảm: Thược dược 160g, chích thảo 120g sắc uống. Tác dụng tư âm hòa dương, hoãn cấp chỉ thống.

- Trị băng lậu hạ huyết, rong kinh, ốm yếu gầy mòn: Thược dược, thục địa, can khương, quế tâm, long cốt, mẫu lệ, hoàng kỳ, lộc giác giao, mỗi thứ 8g, tán bột, uống mỗi lần 8g ngày 3 lần với rượu nóng trước khi ăn, hoặc uống với nước sôi.

Thược dược cốt thu liễm khí không phải như xuyên khung làm cho khí tan ra. Ở trong người nếu huyết nhiều hơn khí mà không lưu lợi thì dùng xuyên khung, khí nhiều hơn huyết, khô táo thì dùng thược dược. Công dụng cốt hàn huyết, lưỡng khí và bổ âm. Người huyết hư hàn, tỳ khí hư hàn không nên dùng.

Theo Đời sống
back to top