Tại buổi làm việc của UBND TP Hà Nội với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, thành phố sẽ thay thế BRT Kim Mã - Yên Nghĩa bằng tuyến đường sắt đô thị số 11.
Hà Nội xem xét thay thế buýt nhanh BRT bằng đường sắt đô thị |
Trao đổi với Khoa học và Đời sống, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam (Hội thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho biết, giao thông công cộng định hướng phát triển thủ đô phải đồng bộ hạ tầng như đường sắt đô thị, đường sắt 1 ray, các loại hình khác. Yêu cầu đặt ra cho BRT là phải liên kết được với hệ thống giao thông công cộng nhưng thực tế Hà Nội đã không làm được điều này.
"Đường sắt đô thị là loại hình sẽ giải quyết được áp lực về giao thông và giải vấn đề đô thị nghẽn dân. Nhưng đường sắt đô thị lại có những phức tạp về giải phóng mặt bằng, nguồn lực thực hiện và việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật vì trên thế giới rất nhiều quy chuẩn khác nhau", ông Đào Ngọc Nghiêm nói và cho biết, để giải quyết khó khăn giao thông cho Hà Nội cần phải chú ý vào các loại hình giao thông đô thị, đồng bộ hạ tầng như vậy giao thông mới thuận tiện.
"Bỏ luôn BRT thay bằng đường sắt đô thị là không phù hợp với điều kiện của Hà Nội. BRT chỉ đang thiếu quản lý chặt chẽ và không nên thay thế", ông Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ quan điểm.
TS Bùi Thị An,Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng (thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) lại cho rằng, việc bỏ BRT không hiệu quả để thay thế một loại hình giao thông khác là cần thiết. Tuy nhiên, bên cạnh việc đánh giá, rút kinh nghiệm cần phải làm rõ trách nhiệm để sai lầm không lặp lại.
"Phải làm rõ trách nhiệm ai là người quyết định thực hiện dự án nhưng không mang lại hiệu quả dẫn đến việc đề xuất bỏ BRT, trong khi dự án có vốn đầu tư rất lớn", TS Bùi Thị An nói.