Vì sao người từ vùng dịch có giấy xét nghiệm âm tính, về quê lại dương tính?

Chúng ta chung sống với dịch, chấp nhận không thể “Zero COVID” được. Trong tình hình mới, đòi hỏi mỗi người phải có ý thức để tránh dịch lây lan, bùng phát.

Đó là ý kiến của PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, khi trao đổi với PV KH&ĐS về tình hình bùng phát dịch trở lại ở một số tỉnh thành.

Trong khi “bình thường mới”, chúng ta sẽ nới lỏng nhiều hoạt động đi lại, làm ăn sinh sống nên dịch sẽ có trong cộng đồng. Khi nới lỏng kiểm soát ở các địa phương thì việc xuất hiện các ổ dịch không nằm ngoài dự báo từ trước. Bởi, dự báo của chúng ta chung sống với dịch, chấp nhận không thể “Zero COVID” được.

Điều quan trọng là các ổ dịch cần được phát hiện sớm, khoanh vùng để tránh lây lan. Chúng ta phải khống chế được số mắc, khống chế được các trường hợp nặng, khống chế được tử vong.

cach-ly-tai-nha.png
Người về từ vùng dịch cách ly tại nhà phải có ý thức để tránh lây nhiễm

PGS.TS Trần Đắc Phu phân tích, việc một số tỉnh, thành phố dịch bùng phát mạnh trong thời gian vừa qua là do nguy cơ dịch còn cao. Người đi từ những vùng dịch có tỷ lệ lây nhiễm cao như các tỉnh phía Nam về vẫn có khả năng dương tính.

Mặc dù khi họ về bằng máy bay, tàu hỏa, xe khách...xét nghiệm trước và ngay khi về thì không phát hiện được vì đang trong thời kỳ ủ bệnh. Khi về nhà bệnh mới phát và lây nhiễm cho người khác.

Hiện các địa phương đã có những quy định đối với người đi từ vùng dịch về phải được cách ly hoặc theo dõi sức khỏe tại nhà. Tuy nhiên, việc theo dõi sức khỏe tại nhà đòi hỏi bản thân họ và người thân trong gia đình phải có ý thức trách nhiệm rất cao.

Người trở về nếu cách ly tại nhà phải có phòng riêng biệt. Nếu chỉ phải theo dõi tại nhà cũng tuyệt đối không đi ra ngoài tiếp xúc với cộng đồng như vừa qua có người đi làm đầu, ăn sáng... và phải thực hiện triệt để biện pháp 5K. 

Người trong gia đình cũng phải đề phòng lây nhiễm cho người khác, không nên đi lại thoải mái, thực hiện triệt để 5K... để bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng.

Việc nhiều tỉnh thành phát hiện các ổ dịch ngoài cộng đồng không rõ nguồn lây, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguồn có thể từ vùng dịch về mà mình không biết rõ F0 ở đâu hoặc dịch đã có sẵn trong cộng đồng mà ta chưa sàng lọc hết.

Vì vậy, để tránh dịch bùng phát trong giai đoạn này, khi số mắc chưa cao, tỷ lệ tiêm văcxin còn thấp, các tỉnh vẫn phải áp dụng các biện pháp để phát hiện ca bệnh càng sớm càng tốt để ngăn chặn dịch lây lan. Xét nghiệm diện rộng có chỉ định để phát hiện sớm ổ dịch để truy vết, phong tỏa không cho dịch bùng phát.

Trong hoạt động bình thường cần thực hiện tốt 5K vì biện pháp này sẽ cắt được chuỗi lây nhiễm. Trong đó, khai báo y tế vô cùng quan trọng. Khi dịch xảy ra ở đâu thì thông báo cho cơ quan chức năng ở khu vực đó.

“Tôi khuyên rằng, những người đi từ vùng có tỉ lệ lây nhiễm cao như các tỉnh phía Nam cần thực hiện triệt để các biện pháp phòng bệnh cho người nhà, cộng đồng, đặc biệt ở các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp” – PGS.TS Trần Đắc Phu

pgs.ts-tran-dac-phu.jpeg
Theo Đời sống
Điều trị polyp rốn

Điều trị polyp rốn

Ở trẻ sơ sinh, thông thường rốn sẽ tự rụng sau 7 - 10 ngày và sau khoảng 2 tuần thì rốn khô và liền hẳn. Một số trẻ gặp tình trạng rốn rụng chưa hết, còn lại một phần niêm mạc rốn gây tiết dịch thường xuyên gọi là polyp rốn, hay còn gọi là u hạt rốn.
back to top