Tránh để Covid-19 và cúm mùa cùng bùng phát

ThS.BS Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cảnh báo, hiện chưa xuất hiện các ổ dịch cúm nhưng chúng ta không nên chủ quan, tránh để Covid-19 và cúm cùng bùng phát sẽ gây tổn hại rất lớn.

Người có cơ địa yếu, bệnh nhân tiểu đường... mắc cúm dễ chuyển nặng

Cúm lưu hành quanh năm nhưng thời tiết đông xuân, rét ẩm là cơ hội để cúm bùng phát. Bệnh lây lan qua đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng của bệnh nhân có chứa virus cúm. Tỷ lệ lây lan càng mạnh khi tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ, công sở...

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hằng năm ước tính có 5 - 20% người trưởng thành và 20 - 30% trẻ em mắc cúm. Dịch cúm gây ra 3 - 5 triệu ca cúm nặng và 250.000 - 500.000 ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm.

Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có 1 - 1,8 triệu người mắc, với các virus thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.

benh-cum.jpg
Coi chừng cúm mùa và Covid-19 cùng bùng phát

Điều đáng lo ngại, theo ThS.BS Nguyễn Hồng Hà là thói quen chủ quan với bệnh cúm, nên khi bệnh nặng mới vào viện gây các biến chứng đáng tiếc.

Cúm mùa có khả năng biến chủng rất nhanh, ở mỗi người, biểu hiện bệnh lại hoàn toàn khác nhau. Có trường hợp nhẹ, nặng, có trường hợp bị cúm mà không hề có triệu chứng.

Tuy nhiên, bệnh cúm nói chung, dù bất cứ do týp nào gây nên, nếu có miễn dịch tốt, sau vài ba ngày sẽ tự khỏi. Nhưng với những người có cơ địa yếu, người già, trẻ suy dinh dưỡng, bệnh nhân tiểu đường... sẽ bị nặng nhanh, gây biến chứng viêm phổi... dẫn tới tử vong.

Mới đây, một bệnh nhân nam còn rất trẻ, bị cúm H3N2 - một thể cúm hay gặp - đã tử vong. Vì khi bị cúm, bệnh nhân này chủ quan không đến viện, chỉ tới khi bệnh đã quá nặng, gây biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, nên đã không thể cứu được.

Do đó, người mắc cúm khi có các triệu chứng nặng như khó thở, thở nông, đau tức ngực, choáng váng, lẫn lộn, ói mửa liên tục, triệu chứng đã cải thiện nhưng vẫn sốt cao và ho nhiều cần phải vào viện cấp cứu ngay.

Mức độ nguy hiểm của cúm mùa (A/H3N2 và cúm B) không khác so với cúm đại dịch H1N1, đều có mức độ tử vong được xác định là từ 0 - 4%, tùy thuộc nhiều vào chẩn đoán và điều trị sớm, chăm sóc y tế tốt.

Nguy hiểm khi nhiễm cúm thường đồng nhiễm các vi khuẩn gây bệnh khác

BSCKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, bệnh cúm thường có biểu hiện sau 2 ngày khi cơ thể tiếp xúc với virus gây bệnh (thời gian ủ bệnh thường từ 1 - 5 ngày). Những triệu chứng ban đầu có thể gặp là sốt, ớn lạnh, nhức đầu, đau mỏi cơ bắp, chóng mặt, mệt mỏi... Trẻ em mắc cúm có thể đau tai, đau họng, tiêu chảy, nôn mửa...

Những dấu hiệu của cúm dễ nhầm lẫn với cảm thông thường nên nhiều người xem nhẹ. Việc chủ quan không điều trị hoặc điều trị quá muộn có thể khiến bệnh chuyển nặng, gây biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy hô hấp.

cum-1.jpg
Coi chừng cúm mùa và Covid-19 cùng bùng phát

Đặc biệt, biến chứng nguy hiểm nhất của cúm là hội chứng Reye (gây sưng phù ở gan và não) thường gặp nhất ở trẻ trong độ tuổi 2 - 16. Biến chứng này có thể xuất hiện chỉ sau vài ngày bị cúm, khi các triệu chứng cúm có dấu hiệu giảm dần, trẻ đột ngột nôn mửa, mê sảng, co giật, chuyển sang hôn mê sâu và tử vong.

Cúm còn là khởi nguồn của viêm tai giữa, viêm xoang, viêm đường tiết niệu, viêm não... nếu không điều trị kịp thời. Di chứng của cúm không chỉ ở ngay trước mắt mà còn có thể gây viêm khớp, các bệnh lý tim mạch như đột quỵ... sau này.

Theo ThS.BS Nguyễn Hồng Hà, hiện chưa ghi nhận sự đồng nhiễm giữa cúm và Covid-19. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn nguy cơ đồng nhiễm virus cúm với virus SARS-CoV-2 rất dễ xảy ra. Bởi cả hai loại virus này đều lây qua đường hô hấp và cả hai đều có cấu trúc phân tử là ARN sợi đơn.

Tuy nhiên, Covid-19 dễ lây lan hơn bệnh cúm do thời gian ủ bệnh, từ khi nhiễm đến khi bắt đầu có biểu hiện triệu chứng lâm sàng thường từ 2 - 14 ngày, có thể lên tới 27 ngày (trung bình 5 - 7 ngày), kéo dài hơn cúm (trung bình 1 - 4 ngày).

Covid-19, cúm và các bệnh đường hô hấp khác có những triệu chứng tương tự nhau, một người có thể bị nhiễm đồng thời cả cúm và Covid-19 sẽ có các triệu chứng của cả hai bệnh nên không thể chẩn đoán chỉ dựa trên triệu chứng, cần phải làm thêm các xét nghiệm để chẩn đoán xác định.

Đặc biệt nguy hiểm là việc nhiễm cúm thường đồng nhiễm với các vi khuẩn gây bệnh khác như phế cầu, liên cầu, não mô cầu, làm bệnh nặng lên và tăng nguy cơ tử vong. Ở các nước ôn đới châu Á cũng báo cáo có sự gia tăng các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính.

Covid-19 và bệnh cúm đều có thể gây ra các biến chứng, bao gồm: Viêm phổi, suy hô hấp; Hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS); Tổn thương tim; Suy đa tạng; Tình trạng bệnh mạn tính trở nên tồi tệ hơn; Viêm não hoặc các mô cơ; Nhiễm trùng thứ phát (nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm có thể xảy ra ở những người đã bị nhiễm cúm hoặc Covid-19). Covid-19 có thêm biến chứng như rối loạn đông máu, hình thành các cục máu đông trong tĩnh mạch và động mạch.

Theo Đời sống
Điều trị polyp rốn

Điều trị polyp rốn

Ở trẻ sơ sinh, thông thường rốn sẽ tự rụng sau 7 - 10 ngày và sau khoảng 2 tuần thì rốn khô và liền hẳn. Một số trẻ gặp tình trạng rốn rụng chưa hết, còn lại một phần niêm mạc rốn gây tiết dịch thường xuyên gọi là polyp rốn, hay còn gọi là u hạt rốn.
back to top