Thổ Nhĩ Kỳ: Chiến dịch tấn công vào khu tự trị Kurdistan Iraq là "chống khủng bố”

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố tiến hành chiến dịch Claw-Lock ở khu tự trị Kurdistan miền bắc Iraq là hành động "chống khủng bố", và đảm bảo an ninh biên giới, chứ không giành các vùng lãnh thổ mới.

Ngày 20/4, trong cuộc họp nghị viện của đảng AK cầm quyền, tổng thống Recep Erdogan cho biết: “Mục đích của Chiến dịch Claw-Lock, bắt đầu vào cuối ngày 18/4, là loại bỏ “các phần tử khủng bố” khỏi vùng đất Iraq và đảm bảo an ninh cho biên giới Thổ Nhĩ Kỳ".

Theo ông Erdogan, vùng rừng núi phía bắc Iraq Metina, Zap và Avasin-Basyan, nơi chiến dịch đang được tiến hành, là vùng lực lượng vũ trang Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) sử dụng làm bàn đạp chuẩn bị các hoạt động tấn công Thổ Nhĩ Kỳ.

PKK, tổ chức bị Ankara xác định là khủng bố, đã tiến hành cuộc chiến chống lại Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều thập kỷ, nhằm thành lập một quốc gia ly khai của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq.

Tổng thống Recep Erdogan nhấn mạnh: “Thổ Nhĩ Kỳ không tuyên bố chủ quyền với bất kỳ vùng lãnh thổ nào, mà chỉ nỗ lực hết sức để đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất chính trị trong nước, để các nước láng giềng của chúng ta có thể sống trong an ninh và hòa bình. Chúng tôi sẽ tiếp tục hành động với cùng mục đích ở Syria cũng như ở Iraq”.

Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố video về chiến dịch quân sự chống lại lực lượng PKK ở miền bắc Iraq.

Video ghi lại hoạt động của máy bay chiến đấu, trực thăng tấn công, pháo binh và lực lượng bộ binh trong chiến dịch. Các cảnh quay đều được ghi lại bằng camera quang ảnh nhiệt.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch tấn công vào lực lượng dân quân người Kurd Iraq. Video Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ

Chiến dịch Claw-Lock là một cuộc tấn công xuyên biên giới của các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm vào lực lượng dân quân người Kurd ở miền bắc Iraq.

Ankara coi lực lượng Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) và Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) là tổ chức khủng bố.

Chiến dịch đang diễn ra tập trung vào các khu vực Metina, Zap và Avasin-Basyan trên vùng biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Đời sống - Tri thức Cuộc sống
back to top