Phẫu thuật cứu trẻ 1 và 3 ngày tuổi bị tắc ruột sơ sinh

Tắc ruột ở trẻ sơ sinh tiên lượng rất nặng, nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời rất dễ dẫn đến tử vong.

Các bác sĩ Khoa Ngoại nhi tổng hợp, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ vừa thực hiện phẫu thuật thành công cho 2 bệnh nhi sơ sinh bị tắc ruột bẩm sinh.

Trường hợp đầu tiên là con sản phụ B.T.C (35 tuổi ở Lâm Thao, Phú Thọ). Bé trai sinh mổ ngày 1/9/2021 hoàn toàn khỏe mạnh, ăn sữa bình thường, đã đi ngoài hết phân su. Tuy nhiên, đến ngày thứ 3, trẻ đột nhiên xuất hiện tình trạng nôn ói, nôn ra dịch xanh - vàng, bụng trướng nhẹ.

Siêu âm ổ bụng và phim chụp X- quang, các bác sĩ kết luận bệnh nhi bị xoắn trung tràng cấp và được chỉ định phẫu thuật nội soi cấp cứu.

tac-ruot-so-sinh-1.jpg
Bé trai 3 ngày tuổi tắc ruột do xoắn trung tràng cấp

Các bác sĩ thực hiện tháo xoắn các quai ruột, tải rộng mạc treo chung, cắt dây chằng giải phóng tá tràng, cắt ruột thừa cố định manh tràng. Sau phẫu thuật, trẻ được điều trị bằng kháng sinh và nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn.

Sau mổ 3 ngày, bệnh nhi ổn định, được cho ăn qua đường miệng. Bé ăn tốt, đi ngoài phân vàng, bụng mềm, vết mổ nhỏ nên liền tốt và được cho xuất viện sau 7 ngày điều trị.

Trường hợp thứ 2 là con sản phụ Đ.T.H (20 tuổi, Thanh Sơn, Phú Thọ) được siêu âm phát hiện tắc ruột do nghi teo ruột bẩm sinh ở tuần thai thứ 30 của thai kỳ.

Vì vậy, ngay khi chào đời, em bé được làm các xét nghiệm, thăm dò chức năng và được chẩn đoán chính xác có tình trạng tắc ruột bẩm sinh nghi do teo ruột. Đặc biệt, ngoài tình trạng teo đoạn ruột, trẻ còn gặp thêm hội chứng viêm phúc mạc thời kỳ bào thai, các quai ruột giãn to và dính thành một khối nên bé được mổ ngay khi tròn 1 ngày tuổi.

Các bác si phải thực hiện gỡ dính toàn bộ ruột, cắt đoạn ruột non giãn to viêm dày trên vị trí teo ruột. Vì vị trí teo ruột chỉ cách góc hồi manh tràng khoảng 40 cm nên các bác sĩ quyết định tạo hình – khâu nối đoạn ruột tận - tận chéo, rửa sạch ổ bụng.

tac-ruot-so-sinh-2.jpg
Trẻ  tắc ruột do viêm phúc mạc bào thai và teo đoạn ruột

Sau phẫu thuật, trẻ được đưa về điều trị hồi sức 7 ngày tại khoa Sơ sinh. Khi tình trạng ổn định, sonde dạ dày dịch trong, đi ngoài được phân xanh, bé được chuyển đến khoa Ngoại nhi tổng hợp cho ghép mẹ và tập ăn qua sonde, rồi rút sonde cho tập ăn đường miệng tăng dần.

Tái khám sau 1 tháng ra viện, sức khỏe trẻ hoàn toàn ổn định, trẻ ăn uống bình thường, tăng cân tốt, vết mổ đã liền sẹo.

ThS.BS Nguyễn Đức Lân, Trưởng khoa Ngoại nhi Tổng hợp cho biết, tắc ruột sơ sinh do nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó có teo và hẹp bẩm sinh đường tiêu hóa. Tiên lượng tình trạng bệnh này ở trẻ sơ sinh rất nặng, nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời rất dễ dẫn đến tử vong.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo gia đình, người chăm sóc trẻ cần lưu ý theo dõi trẻ, trong thời kì sơ sinh mà trẻ không đại tiện phân su, kèm theo xuất hiện tình trạng nôn trớ, nôn ra dịch xanh - vàng, bụng trướng,… cần thông báo ngay với bác sĩ chuyên khoa để theo dõi chặt chẽ và có hướng xử trí kịp thời.

Tình trạng tắc ruột cũng có thể được phát hiện ngay từ thời kỳ bào thai nên các thai phụ cần thực hiện đầy đủ các mốc khám thai định kỳ và các xét nghiệm sàng lọc để có thể phát hiện sớm các bệnh lý (nếu có). Từ đó có kế hoạch theo dõi, quản lý thai kỳ chặt chẽ và kịp thời xử trí các bất thường có thể gặp phải, đảm bảo an toàn cho cả sản phụ và thai nhi.

Theo Đời sống
Điều trị polyp rốn

Điều trị polyp rốn

Ở trẻ sơ sinh, thông thường rốn sẽ tự rụng sau 7 - 10 ngày và sau khoảng 2 tuần thì rốn khô và liền hẳn. Một số trẻ gặp tình trạng rốn rụng chưa hết, còn lại một phần niêm mạc rốn gây tiết dịch thường xuyên gọi là polyp rốn, hay còn gọi là u hạt rốn.
back to top