3 người phải mổ tắc ruột do ăn hồng ngâm

Trong vòng nửa tháng, Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện E đã phẫu thuật cho 3 bệnh nhân bị tắc ruột do ăn quả hồng.

Bệnh nhân nữ 68 tuổi (Hà Nội) đang hồi phục, chuẩn bị ra viện cho biết, bà được con gái mua cho một bao hồng ngâm nên ngày nào cũng ăn. Khi ăn gần hết, bà bị đau bụng phải nhập viện. Kết quả nội soi có 3 khối bã thức ăn trong dạ dày. 1 khối đã vỡ và chảy xuống ruột non gây tắc ruột non.

tac-ruot-do-hong-3-khoi-ba-thuc-an-trong-da-day.jpg

Bệnh nhân được điều trị nội khoa, nhưng kết quả không khả quan nên đã được phẫu thuật ngày 30/9. Khối u bã gây tắc ở ruột non được bóp nhỏ đẩy xuống đại tràng. 2 khối ở dạ dày được lấy ra. Khi bổ đôi 2 khối bã thức ăn tại dạ dày vẫn còn thấy dấu vết của quả  hồng. 

Bệnh nhân nam 70 tuổi (Hà Nội) được mổ ngày 16/9. Bệnh nhân có  tiền sử cắt 2/3 dạ dày năm 1996, nhập viện với biểu hiện tắc ruột. Trước nhập viện vài ngày có ăn quả hồng. Sau 2 ngày điều trị và theo dõi không đỡ, bệnh nhân đã được mổ nội soi đẩy bã thức ăn xuống đại tràng.

Bệnh nhân thứ 3 là nữ 70 tuổi (Hà Nội) cũng đã được mổ bóp nhỏ khối bã thức ăn ở ruột non đẩy xuống đại tràng và mở dạ dày lấy các khối bã thứ ăn khác.

tac-ruot-do-hong-2-khoi-ba-thuc-an-trong-da-day.jpg

TS.BS Đặng Quốc Ái, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện E cho biết, hồng tuy ngon nhưng không phải là loại quả nên ăn nhiều, nhất là người già, người có bệnh lý dạ dày và trẻ em. Trong quả hồng có chất tanin gây vị chát và chất pectin (có nhiều ở vỏ hồng) là những chất làm săn niêm mạc ruột, ảnh hưởng tới nhu động ruột.

Nếu ăn quá nhiều, nhất là vào lúc đói, các chất này cùng với hàm lượng chất xơ có trong quả hồng dưới tác dụng của axit dạ dày sẽ vón lại thành từng khối. Các khối bã thức ăn này không được đẩy ra ngoài theo đường bài tiết tự nhiên sẽ gây tắc nghẽn đường tiêu hóa.

tac-ruot-do-hong-bo-doi-khoi-ba-thuc-an-van-con-mui-hong.jpg

Thông thường thực phẩm sẽ được nghiền nhỏ ở dạ dày rồi mới được đưa xuống ruột non, tuy nhiên ở những người đã cắt dạ dày hoặc cắt một phần dạ dày (nơi tiết nhiều axit), không tiêu hóa được xenlulo và các chất khác, miệng nối giữa ruột non và dạ dày lớn do vậy thực phẩm ăn vào rơi luôn xuống ruột, vón cục lại thành từng mảng lớn đi đến đâu gây tắc đến đó.

Không chỉ có quả hồng mà các thực phẩm có nhiều chất xenlulo già như măng, rau già… cũng dễ gây tắc ruột. 

Để tránh tắc ruột: Người già và trẻ nhỏ nên hạn chế ăn (ăn rất ít, chỉ 1 -2 miếng nhỏ, nhai kỹ); Không nên ăn hồng lúc bụng đói, vì tanin trong quả  hồng dưới tác động của axit dạ dày dễ kết tủa. Những người bị viêm dạ dày mạn, người đã cắt một phần dạ dày hoặc vị hàn không nên ăn.

Ngoài ra, người bị thiếu máu, người đang uống sắt, bệnh nhân tiểu đường... cũng không nên ăn vì gây cản trở hấp thu sắt và tăng lượng đường trong máu...

Theo Thúy Nga
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top