Gãy xẹp đốt sống do thói quen bê vác nặng

Người cao tuổi, người có bệnh lý xương khớp, đau lưng chỉ cần không để ý tới thói quen bê vác, làm sai tư thế, hắt hơi... là có thể khiến đốt sống bị gãy xẹp gây nguy hiểm cho tính mạng.

Bệnh nhân Nguyễn Quốc P. 81 tuổi (Hà Nội) có tiền sử loãng xương, thoái hóa cột sống thắt lưng và thoát vị đĩa đệm, nhưng không chú ý. Một lần bê chậu cây cảnh và bị ngã, ông P. cảm thấy có tiếng “cục” ở vùng lưng và đau rất nhiều, không thể ngồi hay xoay người được, đau dữ dội khi thay đổi tư thế, thậm chí ho cũng đau…

thoi-quen-xep-dong-song1.jpg
Hình ảnh vỡ, phù tủy xương đốt sống của bn

Chụp X-quang và cộng hưởng từ thấy có vỡ lún đốt sống ngực thứ 12 (D12), bệnh nhân được chỉ định bơm sinh măng sinh học. Sau 45 phút thực hiện kỹ thuật bệnh nhân đã ngồi dậy được và cảm thấy gần như hết đau hoàn toàn.

BS Trịnh Tú Tâm, Trưởng đơn vị Điện quang can thiệp và điều trị đau, Bệnh viện Hữu nghị cho biết, bê vác vật nặng là nguyên nhân thường gặp gây các chấn thương, đau cột sống. Ngay cả khi bạn bê một vật không quá nặng, nhưng do làm sai tư thế thế cũng có thể dẫn tới hậu quả không tốt cho cột sống. Nhất là đối với những người đã lớn tuổi, người từng có tiền sử bệnh lý về xương khớp như: loãng xương, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm,…

Ở những người bị loãng xương nặng, các hoạt động đơn giản hàng ngày như bước ra khỏi bồn tắm, hắt hơi mạnh, nâng vật nhẹ ...cũng có thể gây gãy xẹp đốt sống. 

thoi-quen-xep-dot-song.jpg
Bơm xi măng sinh học điều trị xẹp đốt sống ở bệnh viện Việt Xô

Gãy xẹp đốt sống có thể gây đau dữ dội, biến dạng và mất chiều cao đốt sống. Loại gãy này thường xảy ra ở đốt sống ngực (phần giữa của cột sống) đặc biệt ở phần ngực thấp và đốt sống thắt lưng.

Khi bị gãy xẹp – lún đốt sống, bệnh nhân có thể thấy đau lưng đột ngột, đau tăng khi đứng hoặc đi lại; Giảm đau khi nằm ngửa; Hạn chế cử động cột sống...

Gãy xẹp đốt sống có thể gây biến chứng mất vững từng đoạn cột sống, gù cột sống, các biến chứng thần kinh...

Hẹp ống sống do gãy xẹp đốt sống có thể dẫn đến chấn thương thần kinh, tủy sống ngay lập tức, hoặc gây vấn đề về sau do kích thích thần kinh. Nếu không can thiệp và điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm tính mạng.

thoi-quen-xep-dot-song-2.jpg
Bệnh nhân khỏi bệnh nhờ được điều trị kịp thời

Để phòng tránh các chấn thương cột sống, người cao tuổi, người có bệnh lý về xương... không nên mang vác các vật nặng và làm các động tác sai tư thế với cột sống.

Để tránh các nguy cơ té ngã cho người cao tuổi, trong nhà phải có đủ ánh sáng, nhất là ban đêm. Nên mang dép mềm khi đi trong nhà để tránh trơn trượt.

Nhà vệ sinh phải khô ráo, có tay vịn, đồ đạc trong nhà phải gọn gàng. Gia đình nên đưa người cao tuổi đi kiểm tra thị lực, hạn chế để người cao tuổi lên xuống cầu thang.

Để phòng tránh loãng xương, người cao tuổi cần tăng cường bổ sung canxi, vitamin D từ thực phẩm như sữa, cá hồi, rau củ, hải sản... Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện các bệnh lý về xương, khớp, đo mật xương để biết mức độ loãng xương, tập các môn thể dục phù hợp với tuổi già như: dưỡng sinh, khí công, thiền...

Những người đã từng bị gãy xẹp đốt sống do loãng xương sẽ có nguy cơ bị gãy lần thứ hai cao hơn gấp 5 lần.

Theo Đời sống
back to top