Chỉnh cột sống biến dạng ở người trưởng thành chỉ một đường mổ

Giờ đây nếu bỏ qua giai đoạn “vàng” để chỉnh vẹo cột sống ở lứa tuổi thiếu niên thì người bệnh vẫn có thể phục hồi cột sống, cao thêm cả 10cm nhờ kỹ thuật mổ chỉnh cột sống mới.

Hơn 20 năm chịu đựng đủ các đau đớn

Bệnh nhân N.T.T. (29 tuổi, Hà Nội) không thể nghĩ rằng có ngày chị lại có thể đứng thẳng người được. Từ năm học lớp 2 sau đợt viêm não Nhật Bản, chị bị di chứng cột sống. Bố mất sớm, gia đình không có tiền phẫu thuật, nên chị vượt qua tất cả để sống chung với bệnh.

Hơn 20 năm chị phải chống chọi với những cơn đau cột sống hàng ngày, những khó khăn khi đứng lên, ngồi xuống, di chuyển... và cả những ánh mắt thương hại. Lập gia đình, đã có 2 con, chị muốn sống yên cho đến hết đời, nhưng góc cong vẹo ngày càng lớn (hơn 80 độ, biến dạng > 100%), gây đau đớn, khó thở... không chịu nổi chị phải nhập viện.

May mắn với kỹ thuật 1 đường mổ duy nhất, 11 đôi diện khớp và đĩa đệm được làm lỏng, cột sống hình chữ S của chị đã được nắn chỉnh đạt đến hơn 80%. Chỉ ngày thứ 2 sau mổ chị đã có thể đứng dậy đi lại được, đau giảm nhiều và cao lên gần 10cm.

mot-duong-mo.jpg
Một đường mổ chỉnh các bác sĩ đã chỉnh được cột sống cong hình chữ S của chị T.

ThS.BS Trần Trung Kiên, Khoa Phẫu thuật thần kinh – cột sống, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, gù vẹo cột sống là một bệnh lý nặng, nguy hiểm không chỉ gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ khiến dáng đi nghiêng vẹo, gây đau lưng thường xuyên và viêm cột sống, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống và các bệnh lý khác. Nếu gù vẹo 50 - 60 độ, các chức năng hô hấp và tim mạch sẽ bị ảnh hưởng.

Đặc biệt, gù vẹo cột sống thường kèm thêm nhiều bệnh khác như sa ruột, sa dạ dày, chân vòng kiềng, chân chữ X, bàn chân bẹt, bẹp lồng ngực, méo xương chậu... dễ bị suy chức năng hô hấp, tim mạch và tử vong. Vì vậy, mà tuổi thọ của bệnh nhân gù vẹo cột sống thường không cao.

mot-duong-mo-3.jpg
Một đường mổ  thay vì 26 vít bác sĩ chỉ dùng 13 vít cho bệnh nhân. 

Phẫu thuật chỉnh vẹo cột sống nên tiến hành ở lứa tuổi thiếu niên. Trước đây, nếu bỏ qua giai đoạn “vàng” này,  bệnh nhân sẽ phải chịu đựng với các biến chứng ngày càng tiến triển. Khi trục cột sống biến dạng, khiến các khớp sống phía sau chịu nhiều tải trọng, gây thoái hoá, phì đại, dẫn đến dính khớp... từ đó kéo theo các đau đớn, hạn chế tầm vận động và lại càng đẩy nhanh tốc độ thoái hoá lên khiến tình trạng tệ đi rất nhanh...

Cải tiến kỹ thuật: 1 ngày đi được

Theo ThS.BS Trần Trung Kiên, phẫu thuật chỉnh hình cột sống rất phức tạp, đặc biệt là với những ca mổ muộn, bệnh tiến triển nặng như bệnh nhân trên. Trong gần 6 tiếng, các bác sĩ đã rất khó khăn để vừa bảo tổn thần kinh, tủy sống vừa loại bỏ được dị tật, sau đó thực hiện kỹ thuật chỉnh gù vô cùng phức tạp để nắn chỉnh cột sống của bệnh nhân về gần như tuyệt đối.

mot-duong-mo-1.jpg
Một đường mổ bộc lộ  cột sống cong vẹo.

Nếu như trước kia với những bệnh nhân lớn tuổi, đường vẹo cứng, biến dạng > 100 độ, phẫu thuật phối hợp 2 đường: đường trước đi qua khoang lồng ngực để đánh lỏng từng đơn vị cột sống, sau đó lật đường sau để đặt vít nắn chỉnh. Với phương pháp này thời gian phẫu phẫu vô cùng vất vả, kèm theo vô số nguy cơ tai biến, thậm chí có tỷ lệ tử vong nhất định... và khi phẫu thuật xong, người bệnh thường sẽ nằm gần 1 tuần mới tập đi đừng được.

Nhờ cải tiến về kỹ thuật, từ 2 đường mổ: đường trước cắt bỏ toàn bộ đĩa đệm tổn thương, đường sau đục xương toàn bộ từ đốt sống ngực số 4 đến đốt sống lưng thứ 1, cố định cột sống và nắn chỉnh bằng hệ thống vít qua cuống... các bác sĩ của Khoa phẫu thuật thần kinh – cột sống, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã cải tiến thành một đường mổ sau. Kỹ thuật mới này có thể mang lại hy vọng cho các bệnh nhân gù vẹo cột sống tưởng đã hết cơ hội.

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top