Dấu hiệu nhận biết bị viêm lợi, cần lưu ý

Lợi là phần vùng ngoài bao bọc quanh răng, tiếp xúc trực tiếp với thức ăn cũng như các loại virus, vi khuẩn có trong miệng nên rất dễ dẫn đến viêm nhiễm.

Viêm lợi (viêm nướu hay gingivitis) là tình trạng mảng bám có chứa vi khuẩn, tích tụ trên răng, gây viêm mô lợi. Khi mảng bám tồn tại trên răng quá lâu, hình ảnh viêm lợi dễ nhận thấy như lợi bị kích ứng, viêm, đỏ, sưng tấy, chảy máu và tiết dịch. Hơn nữa, vi khuẩn mảng bám còn làm men răng suy yếu. Vì vậy, người bệnh không chỉ cần đánh răng thường xuyên mà còn phải đảm bảo thực hiện đúng cách như đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, dùng chỉ nha khoa hàng ngày và khám răng định kỳ để bảo vệ răng và lợi của mình.

Dấu hiệu nhận biết bị viêm lợi. Ảnh minh họa

Dấu hiệu nhận biết bị viêm lợi. Ảnh minh họa

Viêm lợi rất phổ biến, ít gây đau ở giai đoạn đầu nên người bệnh không quan tâm nhiều. Tuy nhiên, người bệnh cần điều trị kịp thời vì viêm lợi có thể tiến triển thành viêm nha chu và gây mất răng.

Nguyên nhân dẫn đến viêm lợi

Bệnh viêm lợi có thể xảy ra với bất kỳ ai và yếu tố nguy cơ là do việc vệ sinh răng miệng chưa đúng cách. Các nghiên cứu còn chỉ ra rằng, những yếu tố có thể làm tăng khả năng viêm lợi bao gồm có di truyền, người mẫn cảm với bệnh thường có cơ địa di truyền. Điều này có nghĩa là, nếu trong gia đình có bố mẹ bị viêm lợi thì các con của họ cũng sẽ dễ bị viêm lợi. Nhìn chung, nguyên nhân gây viêm lợi gồm có 2 nhóm :

Nhóm thứ nhất là do yếu tố làm tăng cực tấn công của vi khuẩn và làm giảm sức đề kháng của lợi như phụ nữ đang trong thời kỳ thai nghén và dậy thì, những người bị thiếu hụt vitamin A, B, C, D, canxi, fluor ; những người bị bệnh tiểu đường, ung thư bạch cầu, AIDS hoặc đối với người bệnh phải sử dụng thuốc…

Nhóm nguyên nhân thứ 2 là do liên quan đến các mảng bám trong răng bao gồm có cao răng do dự vôi hóa của các mảng bám răng. Bề mặt cao răng thường sẽ không trơn nhẵn như bề mặt răng nên vi khuẩn trong nước bọt sẽ bám dễ hơn. Hoặc do răng có cấu trúc phức tạp như các lồi men vùng cổ răng hay rãnh lõm vùng cổ răng, hay răng lệch lạc chen chúc khiến mảng bám dễ tích tụ, khó làm sạch.

Bên cạnh đó, những miếng trám răng hay răng giả sát hoặc dưới lợi nếu không được làm nhẵn hoặc phồng ra so với răng ban đầu có thể sẽ khiến thức ăn bị nhồi nhét. Điều này sẽ gây khó khăn trong việc tạo nên các mảng bám vi khuẩn trong khoang miệng. Thời gian miếng trám hay phục hình răng càng dài thì sẽ càng khiến cho những tổn thương vùng quanh răng ngày càng nặng hơn.

Một số dạng viêm lợi phổ biến

Viêm lợi trùm: Thường xảy ra đối với răng số 8 ở trong cùng của hàm. Lợi phát triển quá mức, bao bọc ngăn không cho răng mọc lên. Khi bị viêm nhiễm, mọi người thường gặp phải tình trạng lợi sưng đỏ, đau nhức.

Viêm lợi có mủ: Không chỉ sưng tấy nướu mà viêm lợi còn hình thành các ổ mủ, dịch bất thường ở chân răng. Tình trạng này còn được gọi là áp xe nướu, ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt, ăn uống và còn có mùi hôi trong khoang miệng.

Viêm lợi phì đại: Viêm lợi biến chứng sưng nề, phồng to kèm theo các cơn đau, hơi thở có mùi…

Dấu hiệu của viêm lợi

Dấu hiệu của viêm lợi có thể dễ dàng nhận biết hơn nhiều so với các bệnh lý nha khoa khác. Người bị viêm lợi thường gặp phải các tình trạng có thể dễ dàng nhìn thấy hoặc cảm nhận như sau:

Lợi sưng tấy

Mẩn đỏ lợi

Đau nhức

Chảy máu

Tụt lợi

Răng ê buốt

Nhiều cao răng

Lở loét, mưng mủ

Hôi miệng…

Viêm lợi có nguy hiểm không?

Viêm lợi nếu không được điều trị sẽ tiến triển nặng hơn, lan đến các mô và xương bên dưới thành viêm nha chu và nghiêm trọng hơn có thể gây áp xe, tụt lợi và thậm chí mất răng.

Viêm lợi mạn tính liên quan đến bệnh hô hấp, tiểu đường, bệnh động mạch vành, viêm khớp dạng thấp và đột quỵ. Hơn nữa, vi khuẩn gây viêm nha chu có thể xâm nhập vào máu thông qua mô lợi, gây ảnh hưởng đến tim, phổi và các bộ phận khác của cơ thể.

Cách phòng ngừa bệnh viêm lợi

Viêm lợi ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Nghiêm trọng hơn, viêm lợi có thể gây biến chứng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Mọi người cần xây dựng chế độ vệ sinh và chăm sóc răng miệng khoa học để có thể bảo toàn sức khỏe răng miệng, ngăn ngừa viêm lợi.

Dành khoảng 2-3 phút để chải răng kỹ lưỡng, đánh răng từ 2-3 lần mỗi ngày.

Đánh răng bằng kem đánh răng có chứa Flour để bảo vệ men răng tốt hơn.

Chải răng đều khắp các mặt một cách nhẹ nhàng, hạn chế chà sát quá mạnh để tránh tổn thương nướu.

Súc miệng bằng nước súc miệng thật kỹ để làm sạch cả khoang miệng.

Đối với kẽ răng, nên làm sạch bằng máy tăm nước hoặc chỉ tơ nha khoa.

Thay mới bàn chải đánh răng thường xuyên, vệ sinh bàn chải và các dụng cụ vệ sinh răng miệng sạch sẽ sau khi sử dụng rồi cất ở những nơi khô ráo, sạch sẽ.

Uống đủ nước để kích thích tuyến nước bọt hoạt động bình thường, bảo vệ khoang miệng tốt hơn.

Hạn chế ăn những thực phẩm chứa đường, tính axit cao, đồ uống có cồn, có gas…

Lấy cao răng thường xuyên để làm sạch bề mặt răng, hạn chế vi khuẩn phát triển.

Thăm khám nha khoa từ 1-2 lần/năm để phát hiện sớm bệnh lý và điều trị kịp thời.

Theo Đời sống
back to top