Nguy kịch vì sốt mò mà không biết
Trung tuần tháng 4 vừa qua, khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nội tiết Trung ương tiếp nhận người bệnh L.T.Q, giới tính nữ, 71 tuổi có địa chỉ tại xã Đông Ninh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên nhập viện với chẩn đoán: Sốt mò, hạ natri máu, suy giáp sau phẫu thuật cắt tuyến giáp toàn bộ do ung thư tuyến giáp thể nhú, viêm gan theo dõi do thuốc.
Theo như thông tin bệnh nhân cung cấp, bệnh nhân sinh sống ở vùng quê có nhiều cây cối rậm rạp, thường làm việc nhà nông ở khu vực bãi bồi. 07 ngày trước vào viện, bệnh nhân bỗng có dấu hiệu sốt cao liên tục kèm cơn rét run, nhiệt độ cao nhất là 39 o C kèm đau đầu, đau mỏi toàn thân.
Bệnh nhân có dùng thuốc kháng sinh, hạ sốt tự mua ở quầy thuốc địa phương (không rõ thuốc) nhưng tình trạng bệnh không đỡ. Do thấy cơ thể mệt, đau đầu nhiều nên bệnh nhân đã tới khám tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương và được nhập viện vào khoa Bệnh nhiệt đới để điều trị.
Ảnh vết nốt loét sau điều trị 5 ngày |
Theo bác sĩ chuyên khoa II Bùi Thị Tuyết Mai, Khoa Bệnh nhiệt đới cho biết: Tình trạng lúc vào người bệnh mệt nhiều, xuất hiện hội chứng nhiễm trùng, mất nước, sốt cao liên tục 38-39,5 o C; xuất hiện nốt loét điển hình ở vùng cẳng tay trái gần nếp gấp khuỷu, kích thước ~ 1cm, hình bầu dục, trung tâm có vảy đen, viền đỏ, nổi gờ trên bề mặt da, không đau, không ngứa.
Bệnh nhân đã được làm các xét nghiệm cần thiết và được chẩn đoán xác định: Sốt mò, Hạ Natri máu, Suy giáp… Ngay sau đó, bệnh nhân đã được điều trị kháng sinh theo phác đồ điều trị sốt mò, bù nước điện giải, bảo vệ tế bào gan, bù hormon tuyến giáp cùng các triệu chứng kèm theo. BS. Mai chia sẻ.
Hình ảnh ấu trùng của mò Leptothrombidium |
Sốt mò có mặt ở khắp các tỉnh thành
Theo số liệu từ Cục Y tế dự phòng Việt Nam, Sốt mò có mặt ở hầu hết 24 tỉnh thành phía Bắc (chưa kể phía Nam), chiếm 38,51% số bệnh nhân sốt nhập viện, không rõ căn nguyên. Trong đó có khoảng 31,8% bệnh nhân Sốt mò không rõ nốt loét đặc trưng.
Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do tác nhân Orientia tsutsugamushi (trước kia gọi là Rickettsia orientalis hoặc R. tsutsugamushi) gây ra. Người bị bệnh do vi khuẩn lây truyền từ các loài gặm nhấm mà chủ yếu là từ chuột sang người qua ấu trùng của mò Leptothrombidium có mang mầm bệnh đốt.
Người bệnh sốt mò thường có các triệu chứng: sốt cao liên tục và kéo dài, đau đầu nhiều, da xung huyết, xung huyết kết mạc mắt, có thể có vết loét và có viêm hạch. Vết loét điển hình của sốt mò thường có hình bầu dục, kích thước từ: 0,5 – 2 cm, có vẩy đen hoặc đã bong vẩy tạo thành vết loét có gờ, không tiết dịch. Vết loét thường không đau, không ngứa và khu trú ở những vùng da mềm như: cổ, nách, ngực, bụng, bẹn… nên người bệnh cũng không biết đến.
Bệnh thường hay được chẩn đoán nhầm với nhiều bệnh như Cúm, Sốt rét, Sốt Dengue xuất huyết, nhiễm khuẩn huyết, Leptospirose… Bệnh nhân cần được điều trị sớm và tích cực để tránh các biến chứng nguy hiểm như: viêm não – viêm màng não, viêm cơ tim, viêm tắc động tĩnh mạch, trụy tim mạch, viêm phổi bội nhiễm, phù phổi, viêm thận, suy đa tạng,.. thậm chí tử vong.
Hiện tại, sau 05 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã tỉnh táo, cắt sốt, đỡ đau đầu đau người nốt loét đóng vảy tiết khô, hết nề đỏ.
BSCKII. Bùi Thị Tuyết Mai thăm khám cho người bệnh |
Chia sẻ về ca bệnh này, BS Tuyết Mai cho biết: Đến nay, bệnh Sốt mò chưa có vaccin dự phòng. Vì vậy nên xử lý ổ lây nhiễm thông qua việc phát quang khu vực xung quanh nhà ở, dọn dẹp sạch cỏ dại, cây cối um tùm cũng như diệt chuột, các loài gặm nhấm.
Khi đi tham quan hay làm việc gần khu vực ổ dịch hay đi vào rừng, vào hang, làm nương rẫy không nằm dưới đất mà nên nằm trên võng cao và nên mặc quần áo kín đáo, đi giầy cao cổ, bôi thuốc xua đuổi côn trùng vào các khoảng da trống…
BS Tuyết Mai cũng nhấn mạnh ở những đối tượng đặc biệt hoặc có sẵn bệnh nền như mắc các bệnh lý nội tiết Đái tháo đường, Suy thượng thận…, người bệnh tuổi cao mắc nhiều bệnh phức tạp, miễn dịch suy giảm, việc chẩn đoán và điều trị sốt mò gặp nhiều khó khăn.
Nhiều trường hợp biểu hiện bệnh không điển hình, không tìm thấy nốt loét trên da. Lúc này thường dễ bị chẩn đoán nhầm với một số bệnh truyền nhiễm khác.
Vì vậy, việc tiếp cận chẩn đoán ban đầu và điều trị đúng cách là hết sức quan trọng, đặc biệt là những bệnh nhân có tình trạng sốt kéo dài từ 1-2 tuần dù đã được điều trị nhưng không thuyên giảm và chưa tìm được nguyên nhân thì cần nghĩ đến bệnh Sốt mò.
Sốt mò cần được điều trị sớm và đúng phác đồ, nhất là đối với những người có mắc các bệnh lý nền kèm theo để tránh gây ra những biến chứng cấp tính, nguy hiểm. Người bệnh khi thấy các dấu hiệu bất thường cần được đưa tới các cơ sở y tế ngay và tuyệt đối không nên tự điều trị tại nhà tránh tình trạng bệnh tiến triển nặng, có thể nguy hiểm đến tính mạng.