Cách điều trị viêm phổi mắc phải cộng đồng tại nhà

Viêm phổi mắc phải cộng đồng là bệnh lý nhiễm trùng phổi do sự tấn công của các tác nhân gây bệnh mắc phải trong cộng đồng. Bệnh không được điều trị tích cực rất dễ trở nặng và gây các biến chứng tại chỗ hoặc toàn thân.

Do đó, việc hiểu rõ về triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị bệnh viêm phổi mắc phải cộng đồng sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc phòng ngừa và nhận biết bệnh lý này.

Tác nhân gây viêm phổi mắc phải cộng đồng gây biến chứng nặng nề

Các bác sĩ khoa Nội hô hấp, bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) cho biết, viêm phổi mắc phải cộng đồng (VPMPCĐ) là tình trạng nhiễm trùng của nhu mô phổi xảy ra ở cộng đồng, bên ngoài bệnh viện, bao gồm viêm phế nang, ống và túi phế nang, tiểu phế quản tận hoặc viêm tổ chức kẽ của phổi.

Đặc điểm chung có hội chứng đông đặc phổi và bóng mờ đông đặc phế nang hoặc tổn thương mô kẽ trên phim X quang phổi. Bệnh thường do vi khuẩn, virus, nấm và một số tác nhân khác, nhưng không do trực khuẩn lao.

Bệnh viêm phổi mắc phải cộng đồng có thể được kiểm soát sau 2 tuần điều trị tích cực. Tuy nhiên, đối với các đối tượng như người già, người có hệ miễn dịch suy yếu thì đây là mối đe dọa đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng bởi bệnh dễ tiến triển nặng và gây biến chứng nguy hiểm.

Một số biến chứng có thể kể đến như: tràn dịch màng phổi, phù phổi, suy hô hấp và tử vong. Viêm phổi mắc phải cộng đồng là tình trạng nhiễm trùng nhu mô phổi.

Ảnh BVCC

Ảnh BVCC

Cách điều trị bệnh viêm phổi mắc phải cộng đồng

Những phương pháp điều trị viêm phổi mắc phải cộng đồng: Phương pháp điều trị viêm phổi mắc phải cộng đồng có thể khác nhau tùy theo triệu chứng và loại vi trùng gây bệnh. Nếu bạn bị viêm phổi nặng, bạn có thể sẽ phải ở lại bệnh viện để điều trị một thời gian. Nếu bạn chỉ có các triệu chứng nhẹ, bạn có thể được điều trị tại nhà tuân theo phác đồ điều trị viêm phổi mắc phải cộng đồng do bác sĩ đề ra.

Điều trị tại bệnh viện: Nếu mắc viêm phổi do vi khuẩn, bạn bắt đầu dùng thuốc kháng sinh ngay sau khi nhập viện. Bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc kháng sinh và liều dùng phù hợp tùy theo loại vi khuẩn gây bệnh (được xác định khi cấy máu và cấy đờm). Nếu bệnh nặng hoặc không thể uống, cần truyền kháng sinh theo đường tĩnh mạch.

Điều trị tại nhà: Một số người bệnh nhẹ được điều trị tại nhà bằng cách dùng kháng sinh đường uống trong vòng từ 5 đến 7 ngày. Hãy lưu ý những vấn đề sau khi điều trị tại nhà:

1. Dùng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Uống thuốc đúng giờ, đúng liều cho đến khi hết liệu trình, không tự ý ngừng thuốc ngay cả khi bạn bắt đầu cảm thấy tốt hơn.

2. Không dùng thuốc ho hoặc thuốc cảm trừ khi có sự chỉ định của bác sĩ. Ho giúp cơ thể tống khứ chất nhầy ra khỏi phổi.

3. Hít thở không khí ấm giúp làm lỏng chất nhầy dính, tạo cảm giác dễ thở hơn.

4. Uống nhiều chất lỏng như nước lọc, nước trái cây, trà loãng.

5. Không được uống rượu.

6. Nghỉ ngơi nhiều hơn.

Đặc biệt, theo các bác sĩ, tiêm phòng là một trong những biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa bệnh.

Tiêm phòng cúm: Cúm A và B là cúm mùa, gây ra các vụ dịch trong những năm gần đây, H5N1, H1N1, H7N9… Do virus cúm mùa có khả năng đột biến gen cao vì vậy tiêm phòng cúm hàng năm đóng vai trò quan trọng ngăn ngừa nhiễm cúm.

Tiêm phòng cúm đóng vai trò quan trọng trong việc phòng bệnh viêm phổi, đặc biệt là ở người lớn tuổi có suy giảm miễn dịch. Tiêm phòng cúm được khuyến cáo ở những người trên 50 tuổi, người bệnh có bệnh lý tim và phổi mạn tính, đái tháo đường, suy thận nặng hoặc suy giảm miễn dịch.

Tiêm phòng S. pneumoniae: Tiêm vắc xin phòng S. pneumoniae phòng tránh được 60 – 70% VPMPCĐ ở người bệnh suy giảm miễn dịch.

Các biện pháp dự phòng viêm phổi mắc phải cộng đồng

• Điều trị triệt để các ổ nhiễm khuẩn vùng tai mũi họng, răng miệng.

• Điều trị quản lý tốt bệnh lý nền của người bệnh: Đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh gan thận mạn tính.

• Loại bỏ những kích thích có hại: thuốc lá, thuốc lào, bia rượu.

• Giữ ấm cổ ngực trong mùa lạnh.

• Gây miễn dịch bằng tiêm chủng vacxin chống virus, vi khuẩn.

\

Theo Đời sống
back to top