8 trẻ ngộ độc quả hồng châu đến Bệnh viện Nhi T.Ư đều ổn định

Như KH&ĐS đã đưa tin về 17 trường hợp bị ngộ độc quả hồng châu ở huyện Văn Bàn, tỉnh Lào cai, trong đó có 1 trường hợp tử vong và 8 trường hợp nặng được chuyển xuống Bệnh viện Nhi T.Ư. Các bệnh nhi vẫn đang được hội chẩn chuyên khoa tim mạch, gan mật, ngoại...

TS.BS Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu Chống Độc, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, 4h sáng ngày 4/10/2021, khoa đã tiếp nhận 8 trẻ (từ 9-13 tuổi; ở huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) bị ngộ độc do ăn quả hồng châu.

Các bệnh nhi tiếp tục được hỗ trợ chức năng sống, bù dịch, điều chỉnh rối loạn toàn kiềm, trợ gan và làm các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh (xét nghiệm máu, khí máu, chức năng gan thận, siêu âm tim, điện tim, độc chất...).

ngo-doc-hong-trau-1.jpg
Các bệnh nhi ngộ độc quả hồng châu tại bệnh viện Nhi TƯ.

Hiện, tình trạng sức khỏe cả 8 trẻ đều tạm thời ổn định, chưa nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, các bệnh nhi đều có hiện tượng rối loạn nhịp tim, chỉ số men gan tăng, có biểu hiện hủy hoại tế bào gan, một số trẻ còn đau bụng nên các bác sĩ đang tiến hành hội chẩn chuyên khoa tim mạch, gan mật, ngoại… đồng thời làm các xét nghiệm độc tố để phát hiện kịp thời các biến chứng.

Quả hồng châu có thành phần chính là ankaloid, axit amin, axit cacboxylic, flavonoid, polyphenol… Độc tố chính là alkaloid, chứa chính trong nhân hạt, tác động chủ yếu lên tế bào cơ tim và gây phù phổi cấp dẫn tới suy hô hấp, trụy tim mạch. Một số hoạt chất khác có thể gây tổn thương các cơ quan khác như gan, thận…

Theo TS. BS Lê Ngọc Duy, việc phát hiện sớm và xử trí kịp thời là giải pháp quan trọng cứu sống bệnh nhân khi ăn quả hồng châu. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho các trường hợp bị ngộ độc hồng châu mà chủ yếu là điều trị căn nguyên và điều trị triệu chứng.

Khi phát hiện trẻ có biểu hiện ngộ độc do ăn quả hồng châu cần gây nôn, rửa dạ dày càng sớm càng tốt, cho trẻ uống than hoạt tính với liều 1-2 g/kg cân nặng, dùng 4-6 gói sorbitol (cũng có thể cho uống lòng trắng trứng), tăng cường thải độc tố, duy trì chức năng sống (trợ tim-mạch, trợ hô hấp, suy gan chống co giật, chống phù phổi cấp…), xét nghiệm, theo dõi và điều chỉnh chất điện giải trong máu cho trẻ.

BS Duy khuyến cáo, để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, đặc biệt là trẻ em, các cấp chính quyền địa phương, gia đình và nhà trường cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận thức rõ về mức độ nguy hiểm của các loại quả độc, tuyệt đối không ăn thử dù chỉ một lần nhằm tránh những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra. Tại gia đình, khi thấy có người ăn phải quả độc, cần cho uống nhiều nước và gây nôn, sau đó nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất bằng xe cơ giới (tuyệt đối không để đi bộ).

ngo-doc-hong-trau-2.jpg
Bác sĩ đang siêu âm cho bệnh nhi bị ngộ độc hồng châu.
Theo Đời sống
Điều trị polyp rốn

Điều trị polyp rốn

Ở trẻ sơ sinh, thông thường rốn sẽ tự rụng sau 7 - 10 ngày và sau khoảng 2 tuần thì rốn khô và liền hẳn. Một số trẻ gặp tình trạng rốn rụng chưa hết, còn lại một phần niêm mạc rốn gây tiết dịch thường xuyên gọi là polyp rốn, hay còn gọi là u hạt rốn.
back to top