TS Phan Hoàng Hiệp, Giám đốc bệnh viện Nội tiết T.Ư cho biết, tỷ lệ người mắc đái tháo đường đang tăng chóng mặt và ngày càng trẻ hóa. Rất nhiều người mắc đái tháo đường mà không biết. Đây là căn bệnh có diễn tiến âm thầm nhưng nhiều biến chứng nguy hiểm. Tỷ lệ tử vong của nó đứng thứ ba trong các bệnh không lây nhiễm.
PGS.TS Đỗ Trung Quân, Phó Chủ tịch Hội Nội tiết đái tháo đường Việt Nam, Chủ tịch Hội Nội tiết đái tháo đường Hà Nội cho biết, năm 2021, trên thế giới ước tính có 537 triệu người trưởng thành (20-79 tuổi) đang sống chung với căn bệnh đái tháo đường. Đái tháo đường chính là nguyên nhân gây ra 6,7 triệu ca tử vong vào năm 2021. Trung bình cứ 5 giây lại có 1 ca tử vong.
Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang phải gánh chịu áp lực từ sự gia tăng số người mắc bệnh đái tháo đường trong cộng đồng. Theo số liệu của IDF năm 2019, tại Việt Nam, có khoảng gần 3,8 triệu người phải sống chung với căn bệnh đái tháo đường. Hầu hết trong số này là đái tháo đường type 2.
Để dự phòng mắc bệnh đái tháo đường, các chuyên gia khuyến cáo, mỗi người dân cần thực hiện lối sống lành mạnh: chế độ dinh dưỡng hợp lý, vận động thể lực phù hợp ít nhất 30 phút mỗi ngày; không hút thuốc và không lạm dụng rượu bia. Đồng thời, cần có chế độ ăn uống hợp lý, duy trì cân nặng phù hợp.
Đặc biệt trong dịch Covid-19, người mắc đái tháo đường cần tiêm chủng văcxin phòng bệnh đầy đủ, tuân thủ khuyến cáo 5K; sử dụng thuốc điều trị theo đơn và tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.