4 sai lầm khi chăm sóc trẻ sốt xuất huyết

Hạ sốt liên tục 4 - 5 lần/ngày, cắt lễ, cho con nhịn ăn uống, chủ quan khi con hết sốt… đều là những sai lầm cần tránh khi chăm sóc trẻ mắc sốt xuất huyết.

Sai lầm thường gặp

Vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tiếp nhận 1 trường hợp trẻ sơ sinh 28 ngày tuổi, ở Cà Mau. Khai thác bệnh sử ghi nhận trẻ sốt 3 ngày, nôn ói, ọc sữa 4 - 5 lần/ngày, tiêu phân sệt có lẫn ít máu.

Trước đó, Khoa Hồi sức Nhi, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp đã chuyển một trường hợp 6 tuổi mắc sốt xuất huyết nặng cơ địa dư cân, béo phì, 36kg (bình thường ở tuổi này 20 - 22kg) lên Bệnh viện Nhi đồng TPHCM.

img_1261.jpg
Trẻ dưới 1 tuổi khi bị sốt xuất huyết có thể kèm theo ho, sổ mũi hoặc tiêu chảy, ói nên cha mẹ dễ nhầm với các bệnh thông thường như rối loạn tiêu hóa hay viêm họng... Ảnh tư liệu

Theo BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, sai lầm phổ biến khi trẻ con sốt là phụ huynh thường tự ý mua thuốc hạ sốt và cho trẻ uống liên tục 4 - 5 lần/ngày.

Đối với trẻ dưới 1 tuổi khi bị sốt xuất huyết có thể kèm theo ho, sổ mũi hoặc tiêu chảy, ói nên cha mẹ dễ nhầm với các bệnh thông thường như rối loạn tiêu hóa hay viêm họng mà dễ bỏ sót bệnh.

Lạm dụng thuốc có thể làm tổn thương gan nặng nề, xuất huyết tiêu hóa… Bên cạnh đó, khi thấy con xuất hiện những nốt bầm trên da, người lớn còn thực hiện cắt lễ để lấy máu độc.

Cạo gió, cắt lễ có thể dẫn đến xuất huyết không cầm. Thậm chí, đây còn là con đường để virus, vi khuẩn xâm nhập, dẫn đến rối loạn đông máu hoặc nhiễm trùng.

Một sai lầm khác là các bà mẹ cho con nhịn ăn, nhịn uống vì thấy con sốt kèm theo rối loạn tiêu hóa, nôn ói liên tục.

Trẻ không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng rất dễ mất sức, một số trường hợp có thể hạ đường huyết, gây co giật. Nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, chia làm nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày. Nước cũng phải cung cấp đủ nhu cầu cho trẻ tránh tình trạng mất nước và thiếu chất điện giải.

BSCKII Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo, trong thời gian trẻ sốt, không nên cho trẻ ăn hoặc uống các loại thực phẩm có màu đỏ, màu nâu hay màu đen vì sẽ khó phân biệt màu máu (nếu có) khi trẻ nôn ói hoặc đi ngoài.

Một sai lầm thường gặp nữa là nhiều cha mẹ chủ quan, không tiếp tục theo dõi khi thấy con hết sốt.

Giai đoạn đầu khởi bệnh, triệu chứng mắc sốt xuất huyết dễ nhầm lẫn với sốt phát ban, sốt virus, tay chân miệng… Ngoài ra, sốt xuất huyết thường hay có hiện tượng sốt đi sốt lại và diễn tiến bất thường. Trẻ hết sốt nhưng tay chân lạnh, đau bụng, nôn ói, phụ huynh cần đưa trẻ nhập viện cấp cứu kịp thời.

Dấu hiệu cảnh báo trẻ mắc sốt xuất huyết

BSCKII Nguyễn Minh Tiến chỉ ra rằng, ở trẻ lớn, trẻ đang chơi khỏe mạnh, đột ngột sốt cao, uống thuốc hạ sốt có bớt nhưng sau đó sốt trở lại. 2 ngày đầu, trẻ thường kèm theo một số triệu chứng khác như đau đầu, biếng ăn, mệt mỏi, nhức mỏi cơ giống như các triệu chứng cảm cúm.

Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ nhũ nhi thường biểu hiện sốt cao, có khi kèm theo triệu chứng hô hấp như ho, sổ mũi, hắt hơi hoặc triệu chứng tiêu hóa như tiêu chảy, nôn ói, dễ nhầm với bệnh lý đường hô hấp hay đường tiêu hóa.  

Trẻ sốt liên tục trên 2 ngày phải nhập viện ngay dù bất cứ thời điểm nào trong ngày khi xuất hiện dấu hiệu cảnh báo nặng như bứt rứt, lăn lộn, xuất huyết ở da (chảy máu cam hay máu mũi hoặc chảy máu chân răng, ói ra máu, đi cầu phân đen…), tay chân lạnh…

Bệnh sốt xuất huyết thường gặp ở trẻ em. Bệnh xảy ra hầu như quanh năm. Thử máu là một trong những phương tiện giúp chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt trong quá trình theo dõi và điều trị, nhất là trong trường hợp sốt xuất huyết nặng.

Trị số thể tích khối hồng cầu là một trong những yếu tố giúp đánh giá mức độ cô đặc máu trong cơ thể bệnh nhi sốt xuất huyết. Đơn giản, nếu máu càng bị cô đặc bệnh càng dễ trở nặng.

Việc theo dõi diễn tiến tình trạng cô đặc máu để phát hiện thời điểm cần can thiệp là rất cần thiết. Xét nghiệm đo thể tích khối hồng cầu sẽ được các bác sĩ chỉ định thực hiện ở nhiều thời điểm tùy tình trạng bệnh nhi.

Hiện đang vào mùa mưa, sốt xuất huyết đang “rình rập”, nên phụ huynh phải cho con em mình ngủ màn, diệt muỗi, loăng quăng, phát hoang xung quanh nhà, nhất là dọn dẹp các chai lọ, hộp, bịch, dụng cụ chứa nước…

Nếu trẻ bị sốt xuất huyết trên 2 ngày, có biểu hiện của một trong các dấu hiệu sau, cần đưa trẻ vào ngay bệnh viện:

- Quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì, lơ mơ.

- Chảy máu cam, máu chân răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen, đỏ.

- Tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống.

Theo Đời sống
Điều trị polyp rốn

Điều trị polyp rốn

Ở trẻ sơ sinh, thông thường rốn sẽ tự rụng sau 7 - 10 ngày và sau khoảng 2 tuần thì rốn khô và liền hẳn. Một số trẻ gặp tình trạng rốn rụng chưa hết, còn lại một phần niêm mạc rốn gây tiết dịch thường xuyên gọi là polyp rốn, hay còn gọi là u hạt rốn.
back to top