Vào những ngày tháng cao điểm của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, có lúc cả nước đã tiến hành xét nghiệm RT-PCR cho 5,2 triệu lượt người. Tỷ lệ xét nghiệm trên 1 triệu dân của Việt Nam đứng thứ 107/223 trên thế giới.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y Tế, trong 3 trụ cột phòng chống dịch Covid-19 hiện nay là “cách ly, điều trị và xét nghiệm”.
“Việc kiểm soát chất lượng xét nghiệm hết sức quan trọng để kiểm định, đánh giá, giám định hoạt động, đặc biệt là các phòng xét nghiệm lưu động, để đủ điều kiện xác định và công bố các kết quả xét nghiệm Covid-19,” Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Xét nghiệm toàn dân trên diện rộng ngoài cộng đồng và các xe xét nghiệm lưu động được triển khai để phát hiện sớm nguồn lây nhiễm trong cộng đồng để cách ly, khoanh vùng, dập dịch.
Theo PGS.TS.BS Vũ Quang Huy, Giám đốc Trung tâm Kiểm chuẩn Chất lượng Xét nghiệm Y học - Bộ Y tế, trực thuộc Đại học Y Dược TPHCM, việc mở rộng các loại xét nghiệm không như thường quy như vậy đã đòi hỏi ngành xét nghiệm phải tập trung ngoại kiểm xét nghiệm và tập huấn chuyên môn để giảm thiểu sai sót, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch.
Hiện Bộ Y tế giao Viện Pasteur TPHCM triển khai 10 xe lưu động ra cộng đồng tại TPHCM. Đội ngũ xét nghiệm của 10 xe lưu động này trực thuộc Đại học Y Dược TPHCM và Trung tâm Kiểm Chuẩn Chất lượng Xét nghiệm.
PGS.TS.BS Vũ Quang Huy cho biết, trong giai đoạn mới, mỗi xe xét nghiệm lưu động phương pháp RT-PCR với sẽ đáp ứng được sàng lọc cộng đồng cho một quận.
Cụ thể, tại quận Tân Bình, số lượng mẫu thực hiện được là 1.200 mẫu/xe/ngày.
Trung tâm Kiểm chuẩn sẽ hoàn tất triển khai Hệ thống Phòng Xét nghiệm Tham chiếu mức 1 theo mô hình quốc tế IFCC ( Hội Hoá sinh Lâm sàng và Xét nghiệm Y khoa Quốc tế) trong năm 2022.