Bà nói: “Đây là hòn đảo có 23 triệu người, đang nỗ lực bảo vệ bản thân và bảo vệ nền dân chủ của chúng tôi, đảm bảo cho sự tự do đáng có mỗi ngày. Nếu chúng tôi thất bại, điều đó có nghĩa là những người tin vào các giá trị này sẽ nghi ngờ, liệu đây có phải là những giá trị mà họ (nên) đấu tranh hay không”.
Bà Thái Anh Văn là người đứng đầu Đài Loan đầu tiên trong nhiều thập kỷ thừa nhận sự hiện diện của quân đội Mỹ trên đảo, thực hiện nhiệm vụ huấn luyện.
Lực lượng đồn trú chính thức của Mỹ rút khỏi hòn đảo này năm 1979, khi Washington chuyển công nhận ngoại giao chính thức từ Đài Bắc sang Bắc Kinh. Truyền thông quốc tế năm 2020 mờ hồ nói về một số đơn vị nhỏ, được triển khai bí mật ở hòn đảo này.
Cam kết của Washington đối với quốc phòng Đài Loan cho đến nay chủ yếu liên quan đến chuyển giao vũ khí, vấn đề hỗ trợ huấn luyện và hợp tác quân sự trước đây được cố tình bỏ ngỏ, vì Trung Quốc coi đó là hành vi vi phạm nguyên tắc “Một Trung Quốc”.
Bà Thái Anh Văn cũng kêu gọi các đối tác trong khu vực hỗ trợ Đài Loan.
Mỹ, Nhật Bản và Australia đã bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về việc Bắc Kinh tăng cường các cuộc xâm nhập không quân vào vùng nhận dạng phòng không Đài Loan.
Bà nói: “Khi các chế độ thể hiện khuynh hướng bành trướng, các nước dân chủ nên tập hợp lại để chống lại chúng. Đài Loan đang ở tiền tuyến”, đồng thời bày tỏ sự tin tưởng Washington sẽ bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công, "dựa trên mối quan hệ lâu dài mà chúng tôi có với Mỹ."
Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước cam kết rõ ràng hơn những người tiền nhiệm, khẳng định Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan trong tình huống xung đột vũ trang và lập tức gánh chịu sự chỉ trích từ phía Trung Quốc.
Bà Thái Anh Văn cáo buộc Bắc Kinh đang áp đặt quyền lực, bà nói: “Liệu ông Tập muốn có một mối quan hệ hòa bình với tất cả mọi quốc gia trong khu vực và trên thế giới, hay ông ấy muốn trở thành một người ở vị trí thống trị để tất cả mọi người phải lắng nghe ông ấy, lắng nghe Trung Quốc?”.
Bà Thái Anh Văn lần đầu tiên lên nắm quyền vào năm 2016, tái đắc cử năm 2020. Bắc Kinh coi lập trường của bà về việc Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền là lực lượng ly khai, từ chối các mối quan hệ với chính phủ Đài Bắc.
Trong cuộc phỏng vấn với CNN, bà Thái Anh Văn cho rằng, sự trao đổi thông tin nhiều hơn "sẽ hữu ích" cho hai chính phủ, "có thể giảm bớt những hiểu lầm.
Theo bà, với sự khác biệt về hệ thống chính trị, cần phải có những cuộc đối thoại, nói về những khác biệt và cố gắng thu xếp, để các bên có thể cùng tồn tại một cách hòa bình.
Trong một tuyên bố kỷ niệm 50 năm Liên Hiệp Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết ông lấy làm tiếc vì Đài Loan bị đẩy xa ra trên trường thế giới.
Ông nói: “Sự tham gia có ý nghĩa của Đài Loan vào hệ thống Liên Hiệp Quốc không phải là một vấn đề chính trị, mà là một vấn đề thực dụng. Đó là lý do tại sao chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc cùng chúng tôi ủng hộ sự tham gia mạnh mẽ, có ý nghĩa của Đài Loan trong hệ thống Liên Hiệp Quốc và trong cộng đồng quốc tế”.
Đáp lại, Trung Quốc nhấn mạnh lập trường, khẳng định chính phủ Đài Loan không có chỗ đứng trên sân khấu ngoại giao toàn cầu.
Mã Hiểu Quang, phát ngôn viên Văn phòng các vấn đề Đài Loan tại Bắc Kinh tuyên bố: “Đài Loan không có quyền gia nhập Liên Hợp Quốc. Đây là một tổ chức chính phủ quốc tế của các quốc gia có chủ quyền…và Đài Loan là một phần của Trung Quốc”.