Trung Quốc đưa tàu tuần biển lớn nhất thế giới hoạt động trên Biển Đông

Ngày 22/10, CCTV phát phóng sự cho biết Trung Quốc đã đưa vào hoạt động tàu tuần tra dân sự lớn nhất thế giới mang tên Haixun 09. Tàu này dự kiến sẽ hoạt động trên Biển Đông - nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp hầu hết diện tích.

Haixun 09, còn gọi là "tàu tuần biển", thuộc quyền quản lý của Cục An toàn Hàng hải (MSA) tỉnh Quảng Đông, có nhiệm vụ giám sát Biển Đông.

Với lượng giãn nước 10.700 tấn, đây cũng tàu hải cảnh – tuần tra biển tiên tiến nhất trong hạm đội các tàu chấp pháp dân sự, trang bị vòi rồng, hệ thống radar theo dõi và giám sát trên không, khả năng cứu hộ y tế và sàn đáp trực thăng.

Colin Koh, thành viên thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, cho biết MSA đang nâng cấp hải đoàn phản ứng khẩn cấp, như một phần của cuộc cạnh tranh năng lực giữa cơ quan này với Lực lượng Phòng vệ bờ biển.

Theo Koh, MSA trước đây đã triển khai các tàu tuần biển đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông.

Trung Quốc biện minh cho hành động này là đóng góp cho lợi ích chung như cung cấp thiết bị ứng phó các hoạt động khẩn cấp như tìm kiếm và cứu nạn.

Nhìn chung, những động thái này sẽ mang lại lợi ích, giúp Trung Quốc gia tăng kiểm soát khu vực, bao gồm cả danh nghĩa thực thi các quy tắc hàng hải của Trung Quốc với các tàu nước ngoài”.

Cuối tháng 8, Bắc Kinh công bố một quy định mới, yêu cầu tất cả các tàu thuyền nước ngoài đi vào vùng nước Biển Đông phải đăng ký thông tin chi tiết của họ với cơ quan hàng hải Trung Quốc.

Quy định này là một âm mưu của Trung Quốc trong nỗ lực dần pháp luật hóa chủ quyền phi pháp mà nước này tuyên bố trên hầu hết diện tích Biển Đông.

Yue Gang, đại tá về hưu của Quân đội Trung Quốc, nhận định rằng cần có sự thận trọng trong việc triển khai Haixun 09, tàu nên tập trung định hướng mục đích sử dụng cho các hoạt động dân sự nhiều hơn.

Tàu tuần biển có thể cơ động độc lập 180.000km với tốc độ tiết kiệm 16 hải lý/h, tương đương với chiều dài bờ biển của Trung Quốc, không cần tiếp nhiên liệu. Và cũng có thể thực hiện các hoạt động như tìm kiếm cứu hộ, thực thi các quy định đánh bắt hải sản trên Biển Bột Hải hoặc Biển Hoa Đông.

Tuy nhiên, triển khai tàu tuần tra biển tới khu vực Biển Đông rất nhạy cảm, có nguy cơ cao sẽ dẫn đến xung đột không chủ ý.

Nếu Haixun09 được đưa đến hoạt động trong khu vực này nhưng không có hành động thực thi đối với tàu thuyền các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc như Việt Nam, Malaysia và Philippines, điều đó sẽ làm suy yếu quyền lực của Bắc Kinh.

“Tuy nhiên, nếu tàu tuần tra biển hành động theo Luật hàng hải Trung Quốc, có thể dẫn đến một cuộc đối đầu và căng thẳng quốc tế, điều mà Bắc Kinh không muốn" - đại tá Yue nói - “Hạm tàu có thể được điều động đến những nơi như quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ở Biển Đông để khảo sát mang tính biểu tượng, đi qua các quốc gia láng giềng, thể hiện sức mạnh và năng lực hàng hải của Trung Quốc. Nhưng chưa phải lúc triển khai hoạt động lâu dài”.

Tàu bắt đầu được đóng vào tháng 5/2019. Hạm tàu có chiều dài 165 mét, rộng 20,6 mét, cao 9,5 mét, lượng giãn nước đầy tải khoảng 13.000 tấn. Tàu có thể hoạt động trên các vùng biển xa ngoài vùng duyên hải, dự trữ hải trình tối đa 90 ngày không cần tiếp tế nhiên liệu và lương thực.

Theo South China Morning Post
back to top