Theo KCNA, tên lửa chứng minh được các yêu cầu kỹ thuật theo thiết kế “bao gồm khả năng cơ động dẫn đường và những đặc tính bay lượn trượt của đầu đạn siêu thanh khi tách rời khỏi tên lửa vận tải, sự ổn định của động cơ cũng như của ống dẫn nhiên liệu tên lửa”.
Trang Rodong Sinmun của Triều Tiên cho biết: Học viện Khoa học Quốc phòng CHDCND Triều Tiên đã bắn thử một tên lửa siêu thanh Hwasong-8 mới phát triển. Vụ phóng thử thực hiện ở Toyang-ri, huyện Ryongrim thuộc tỉnh Jagang vào sáng ngày 28/9.
Pak Jong Chon, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng cục Chính trị kiêm Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Công nhân Triều Tiên, cùng các quan chức hàng đầu trong ngành khoa học quốc phòng Triều Tiên đã tham gia cuộc phóng thử nghiệm.
Phát triển tên lửa siêu thanh là một trong 5 nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của kế hoạch 5 năm đối với lĩnh vực vũ khí chiến lược nhằm phát triển khoa học quốc phòng và hệ thống vũ khí, được đề ra tại Đại hội Đảng lần thứ VIII của Triều Tiên, theo một quy trình phát triển tuần tự, khoa học và đáng tin cậy.
Việc phát triển hệ thống vũ khí siêu thanh có ý nghĩa chiến lược to lớn trong nỗ lực phát huy sức mạnh độc lập của nền khoa học và công nghệ quốc phòng hiện đại và nâng cao khả năng phòng thủ quốc gia trên mọi lĩnh vực.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đã phóng tên lửa ngoài khơi bờ biển phía đông. Khác với tên lửa đạn đạo bay vào không gian vũ trụ sau đó quay trở lại theo quỹ đạo dốc đứng, vũ khí siêu thanh bay tới mục tiêu ở độ cao thấp hơn và đạt tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh, khoảng 6.200 km/h.
Tham mưu trưởng Liên quân miền Nam của Hàn Quốc cho biết, tên lửa siêu thanh của Triều Tiên đang ở giai đoạn phát triển ban đầu, xác định bằng vận tốc phát hiện được và các dữ liệu khác, Bình Nhưỡng sẽ mất một "khoảng thời gian đáng kể" cho đến khi tên lửa có thể được triển khai chiến đấu.
KCNA cho biết, sự phát triển của hệ thống vũ khí này tăng khả năng phòng thủ của Triều Tiên, đồng thời mô tả tên lửa siêu thanh là “vũ khí chiến lược”, khi Bình Nhưỡng kêu gọi Mỹ và Hàn Quốc loại bỏ “tiêu chuẩn kép” về các chương trình vũ khí, khởi động lại các cuộc đàm phán ngoại giao nhằm đưa bán đảo Triều Tiên trở thành khu vực hòa bình và ổn định.
Theo KCNA, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un không thị sát vụ phóng. Bản tin cho biết: “Trong lần phóng thử đầu tiên, các nhà khoa học quốc phòng đã xác nhận khả năng kiểm soát điều hướng và độ ổn định của tên lửa. Cuộc thử nghiệm cũng cho thấy tính ổn định của vỏ bọc hệ thống nhiên liệu của tên lửa, hiệu quả của một công nghệ bổ sung cho thuốc phóng dạng lỏng được phát triển từ trước, và giữ cho nhiên liệu sẵn sàng phóng trong nhiều năm. Một quan chức Triều Tiên cho biết Triều Tiên có kế hoạch ứng dụng công nghệ này cho tất cả các tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng.
Tên lửa nhiên liệu lỏng dễ bị tổn thương hơn tên lửa nhiên liệu rắn vì cần được tiếp nhiên liệu riêng biệt và vận chuyển tới vị trí phóng bằng xe vận tải, điều đó cho phép vệ tinh của đối phương hoặc các phương tiện trinh sát quân sự khác có thể phát hiện.
Tuần trước, Triều Tiên đã đưa ra đề nghị cải thiện quan hệ với Hàn Quốc trong một số điều kiện nhất định. Các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của nước này đã rơi vào bế tắc kể từ tháng 2/2019. Triều Tiên yêu cầu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu, khẳng định nước này có quyền sở hữu vũ khí hạt nhân. Các quan chức Mỹ tuyên bố rõ ràng, các lệnh trừng phạt sẽ được duy trì cho đến khi Triều Tiên thực hiện các bước cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa.
Chủ tịch Kim Jong Un trong các bài phát biểu gần đây tuyên bố sẽ thúc đẩy chương trình hạt nhân như một biện pháp răn đe đối với Mỹ.
Bình Nhưỡng từ chối đề nghị của chính quyền Biden nối lại các cuộc đàm phán mà không có điều kiện tiên quyết, yêu cầu Washington phải từ bỏ “chính sách thù địch” trước tiên, một thuật ngữ mà Bình Nhưỡng sử dụng để chỉ các lệnh trừng phạt và những cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, được Triều Tiên coi như là diễn tập xâm lược.