Trẻ xuất huyết não vì bị rung lắc

Bệnh viện Sản – Nhi Đà Nẵng vừa cấp cứu cho trẻ 3 tháng tuổi bị xuất huyết não vì hội chứng rung lắc.

Bệnh nhi 3 tháng tuổi (Đà Nẵng) từ khi sinh ra khỏe mạnh, chưa có biểu hiện co giật lần nào. Mỗi khi trẻ quấy khóc nhiều, gia đình thường đưa nôi hoặc bế trẻ có rung lắc để dỗ dành.

2 ngày trước khi vào viện,  bé có biểu hiện sốt nhẹ, bú ít, kém linh hoạt. Khi trẻ bị co giật nửa người kèm trợn mắt, tím môi, cơn co giật kéo dài khoảng 15 phút, gia đình vội đưa đến viện cấp cứu.

Kết quả chụp CT sọ não trẻ bị tụ dịch dưới màng cứng bán cầu não trái, bên trong có hình ảnh xuất huyết, dãn não thất bên 2 bên, tụ dịch khoang dưới nhện vùng trán phải.

Sau khi được xử trí chọc hút giải áp và hồi sức tích cực, tình trạng tri giác bé cải thiện, bú được, không co giật lại.

rung-lac-1.jpg
Trẻ xuất huyết não vì sự rung lắc.

Theo BS Võ Tấn Ngà, Bệnh viện Sản Nhi Đà Nẵng, hội chứng rung lắc là một dạng chấn thương đầu và não nghiêm trọng xảy ra ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ khi bị rung lắc mạnh.

Hội chứng này phổ biến hơn ở trẻ dưới 2 tuổi, đặc biệt ở trẻ sơ sinh đến 8 tháng, tuy nhiên trẻ dưới 5 tuổi cũng có thể bị ảnh hưởng.

Ở trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, trọng lượng đầu trẻ chiếm khoảng 25% trọng lượng cơ thể, não bộ chưa phát triển nhiều, lại nằm “trôi nổi” trong môi trường dịch não tủy bao bọc xung quanh và cơ cổ rất yếu chưa chịu được sức nặng của đầu. Khi bị rung lắc mạnh, nhất là động tác tung hứng, quay vòng tròn mạnh... sẽ rất dễ làm tổn thương não và các mạch máu trong não, dẫn đến phù và tăng áp lực nội sọ...

Các tổn thương não sẽ để lại nhiều di chứng thần kinh lâu dài. Tổn thương nhẹ có thể làm cho trẻ chậm phát triển tinh thần, mất khả năng nói năng lưu loát, giảm khả năng học tập… Nếu tổn thương nặng có thể gây xuất huyết võng mạc mắt, giảm thị lực hoặc mù, liệt thần kinh, co giật, thậm chí gây tử vong.

Vì vậy, bố mẹ và người thân cần tránh những động tác xoay chuyển đầu trẻ một cách đột ngột như: rung lắc nôi đối với trẻ nhỏ; Không bao giờ bế thốc ngược; không xốc vác trẻ gấp gáp; không tung hứng trẻ khi nô đùa; không tát, đánh vào tai, vào đầu, vào mặt trẻ....

Khi trẻ khóc, nên tìm nguyên nhân, xem trẻ có bị đói, bị sốt, côn trùng cắn hoặc bệnh lý khác hay không.

Theo Đời sống
Điều trị polyp rốn

Điều trị polyp rốn

Ở trẻ sơ sinh, thông thường rốn sẽ tự rụng sau 7 - 10 ngày và sau khoảng 2 tuần thì rốn khô và liền hẳn. Một số trẻ gặp tình trạng rốn rụng chưa hết, còn lại một phần niêm mạc rốn gây tiết dịch thường xuyên gọi là polyp rốn, hay còn gọi là u hạt rốn.
back to top