Trẻ em Việt Nam được tiêm văcxin phòng COVID-19 loại nào?

Nhiều loại văc xin phòng COVID-19 cho trẻ em đã được phê duyệt hoặc đang được thử nghiệm.Trẻ em Việt Nam sẽ được tiêm loại văcxin nào?

Nhiều loại văc xin phòng COVID-19 cho trẻ

Theo TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), có nhiều loại văcxin hiệu quả dành cho trẻ em.

Pfizer: đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và EMA đã phê duyệt văcxin Pfizer cho trẻ em 12-15 tuổi (sử dụng cùng liều lượng như người lớn). Pfizer công bố văcxin Pfizer có tính sinh miễn dịch cao và an toàn với trẻ 5-11 tuổi và đã nộp hồ sơ xin FDA phê duyệt khẩn cấp. Công ty hiện đang thử nghiệm văcxin ở trẻ 6 tháng - 2 tuổi và 2-5 tuổi.

Moderna: Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã phê duyệt văcxin Moderna cho trẻ em 12-17 tuổi với nhận định hiệu quả và tác dụng phụ tương tự như đã gặp ở người lớn. Đang thử nghiệm ở trẻ 6 tháng - 12 tuổi.

AstraZeneca: Đang thử nghiệm ở trẻ 6-17 tuổi.

Verocells: Thử nghiệm lâm sàng pha 1/2 văcxin Verocells ở trẻ 3-17 tuổi cho thấy văcxin an toàn và tạo ra đáp ứng miễn dịch khi tiêm đủ 2 liều. Văcxin này chưa được phê duyệt sử dụng cho trẻ em vì chưa có kết quả thử nghiệm pha 3.

Covaxin: Đã hoàn thành thử nghiệm pha 2/3 cho trẻ 2-18 tuổi nhưng chưa có công bố trên báo khoa học.

Các văcxin khác cũng đang tiến hành thử nghiệm trên trẻ nhỏ (Novavax của Mỹ, Covaxin xịt mũi của Ấn Độ, Sputnik xịt mũi của Nga).

Các nước hiện đang tiêm chủng Covid cho trẻ em:

-Mỹ, hầu hết các nước thành viên EU, Úc, New Zealand, Nhật, Philippine, Mexico, Brazil, Chile, Canada, Nam Phi: trẻ từ 12 tuổi trở lên (Pfizer),Israel: tiêm nhắc lại mũi 3 cho trẻ 12 tuổi trở lên (Pfizer), Cuba: 2 tuổi trở lên (văcxin nội địa),Chi Lê: 6 tuổi trở lên (Sinovac), Trung Quốc: 6 tuổi trở lên (Sinovac, CoronaVac), UAE: 3 tuổi trở lên (Sinopharm), Indonesia: 12-17 tuổi (Sinovac), Ấn độ: 2-18 tuổi (Covaxin).

vac-xin-tre-em.jpg
Tiêm vắc xin để trẻ trở lại trường học sớm

Về tác dụng phụ hiện này mới có thông tin về tác dụng phụ ngắn hạn của mRNA văcxin. Tác dụng phụ phổ biến là đau và sưng chỗ tiêm, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, sốt, có thể buồn nôn, và sẽ tự hết sau vài ngày. CDC Hoa Kỳ đã nhận được các báo cáo về các trường hợp viêm cơ tim sau tiêm văcxin Pfizer hoặc Moderna nhưng tỷ lệ mắc rất thấp (162 trong 1 triệu bé trai 12-15 tuổi và 94 trong 1 triệu nam trẻ 16-17 tuổi ) và ở mức độ nhẹ. Tỷ lệ này cao hơn sau khi tiêm mũi văcxin Pfizer thứ 2, thường xuất hiện trong vòng 1 tuần đầu sau tiêm mũi 2.

Trước mắt trẻ em Việt Nam tiêm Pfizer

PGS.TS Dương Thị Hồng- Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, văcxin Covid-19 tiêm cho trẻ là những loại được nhà sản xuất chỉ định cho phép sử dụng cho trẻ em, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo và được Bộ Y tế cũng như các Hội đồng khoa học của Bộ Y tế xem xét một cách đầy đủ để đưa vào sử dụng. Đến nay, được biết văcxin của Pfizer BioNTech đã được Bộ Y tế cho phép để sử dụng tiêm cho trẻ em.

Tới đây, khi nguồn cung văcxin Covid-19 triển khai ổn định, Bộ Y tế sẽ tiếp tục xem xét và đưa vào sử dụng các văcxin Covid-19 khác có đủ điều kiện tiêm cho trẻ em để đa dạng nguồn cung và sớm đạt độ bao phủ văcxin phòng bệnh cho trẻ từ 12-17 tuổi.

Theo TS Dương Thị Hồng, cách thức tổ chức tiêm chủng cho trẻ dự kiến tại trường học, do vậy cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và ngành giáo dục tất cả các địa phương để tổ chức tiêm chủng cho trẻ đạt hiệu quả.

Vì trẻ đang ở lứa tuổi vị thành niên nên phải có sự đồng thuận, chấp thuận của cha mẹ. Đồng thời, để công tác tiêm chủng được an toàn, hiệu quả cần hướng dẫn trẻ nhận biết các biểu hiện khó chịu, cũng cần tư vấn đầy đủ cho các giáo viên và các bậc phụ huynh để cùng đồng hành theo dõi sức khỏe của trẻ sau khi tiêm chủng văcxin Covid-19. 

Theo Đời sống
Điều trị polyp rốn

Điều trị polyp rốn

Ở trẻ sơ sinh, thông thường rốn sẽ tự rụng sau 7 - 10 ngày và sau khoảng 2 tuần thì rốn khô và liền hẳn. Một số trẻ gặp tình trạng rốn rụng chưa hết, còn lại một phần niêm mạc rốn gây tiết dịch thường xuyên gọi là polyp rốn, hay còn gọi là u hạt rốn.
back to top