Từ tuần 35 của thai kỳ, chị Ngô Thị L. (sinh năm 1988, Hà Nội) được TS. BSCKI Nguyễn Thị Sim, Phó giám đốc Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán trước sinh & sơ sinh - Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội khám và phát hiện thai nhi có dây rốn thắt nút.
Kể từ đó, chị được bác sĩ tư vấn nguy cơ, siêu âm, chạy monitor sát sao từng tuần và lên kế hoạch mổ lấy thai chủ động.
Khi được 38 tuần 5 ngày, bé gái nặng 3400g đã cất tiếng khóc chào đời khoẻ mạnh.
TS. BSCKI. Nguyễn Thị Sim cho biết, tỷ lệ dây rốn thắt nút chiếm 0.3 – 2.2% các ca sinh và nâng tỷ lệ tử vong thai nhi tăng cao hơn gấp 4 lần so với thai bình thường.
Dây rốn thắt nút là hiện tượng dây rốn tự tạo thành nút thắt bên ngoài trong quá trình thai xoay chuyển vận động trong buồng ối. Đa phần rốn thắt lỏng lẻo và không gây nguy hại cho bé trong quá trình mang thai.
Tuy nhiên, nếu dây rốn bị thắt nút sớm thì khi em bé lớn dần lên và cử động nhiều sẽ có thể làm thắt chặt nút thắt, gây thiếu máu và oxy cho thai nhi. Đặc biệt những trường hợp thai chuyển dạ sinh thường với dây rốn thắt nút có thể gây thiếu máu não, bại não hoặc thai tử vong ngay sau sinh.
Một số nguyên nhân có thể dẫn đến sự hình thành của dây rốn thắt nút như: Mẹ bầu lớn tuổi, thai nhi giới tính nam, thai nhỏ, thai hoạt động nhiều, dây rốn dài, nước ối nhiều, đa thai.
Theo TS. BSCKI Nguyễn Thị Sim, thai phụ có thể cảm nhận những thay đổi bất thường về cử động của thai nhi mỗi ngày, đặc biệt trong những tuần cuối thai kỳ. Thai phụ nên đến khám ngay để đánh giá sức khỏe thai nếu phát hiện các dấu hiệu dây rốn thắt nút như: Thai nhi cử động thai ít hoặc yếu, bụng trồi, không tròn.
Tốt nhất, mẹ bầu nên đi khám thai và siêu âm thường xuyên, kèm theo đó bà bầu cũng nên thường xuyên theo dõi tim thai để xác định nguy cơ với em bé có hay không.
Hiện nay vẫn chưa có phương pháp nào để ngăn ngừa nút thắt dây rốn xảy ra trong bụng mẹ. Vì vậy, việc chăm sóc thai sản đúng cách là điều cần thiết để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh và không gặp phải biến chứng.