Quân đội Trung Quốc diễn tập trên vùng thảo nguyên Nội Mông |
Trong cuộc diễn tập đặc biệt này, lữ đoàn binh chủng hợp thành sử dụng tổ hợp tên lửa phòng không HQ-17 (Red Banner-17). Đây là hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn - trung bình, hoạt động trong trong mọi điều kiện thời tiết, do công nghiệp quốc phòng Trung Quốc phát triển.
Đây là phiên bản tên lửa phòng không dựa trên nền tảng thiệt kế Tor-M1, nhưng HQ-17 không phải là bản copy mà đã có những cải tiến làm thay đổi năng lực tác chiến của vũ khí.
HQ-17 được lắp đặt trên khung gầm xe thiết giáp bánh xích để tăng khả năng cơ động, ăng-ten nhận dạng địch - ta (IFF) mới trên radar tìm kiếm, phát hiện mục tiêu mảng pha quét điện tử, có hiệu suất cao hơn, chống nhiễu điện từ và liên kết chia sẻ dữ liệu với các hệ thống vũ khí phòng không khác của Trung Quốc.
Hệ thống tên lửa phòng không HQ-17 chiến đấu trong đội hình khẩu đội. Một khẩu đội điển hình có 4 xe phóng tên lửa, xe nạp đạn và các xe hỗ trợ kỹ thuật khác.
Khẩu đội được kiểm soát, điều hành tác chiến bởi một đài chỉ huy chiến đấu cơ động, lắp đặt trên xe thiết giáp bánh xích. Khẩu đội tên lửa phòng không HQ-17 thường tác chiến độc lập, nhưng có thể chia sẻ và sử dụng dữ liệu mục tiêu từ các radar tình báo giám sát thụ động khác.
HQ-17 được thiết kế để đi cùng các đơn vị quân binh chủng cơ giới hóa như các tiểu đoàn xe tăng nhằm bảo vệ, che chắn lực lượng trước các cuộc tấn công đường không khi đang cơ động chiến đấu, bảo vệ các địa điểm quân sự. Tên lửa HQ-17 tương tự như Tor-M1, có khối lượng khoảng 165 kg, chiều dài 2,9 m và đường kính 0,23 m.
Tầm bắn nghiêng của nó có thể đánh chặn các phương tiện bay từ 1,5 km đến 15 km, xa hơn một chút so với Tor-M1, độ cao chiến đầu từ 10 m đến 10 km. Hệ thống dẫn đường tên lửa có trang bị radar khóa mục tiêu bán chủ động và được dẫn đạn bởi radar trên xe phóng.
Hệ thống này được thiết kế để bảo vệ các đơn vị trên chiến trường, chống lại các cuộc tấn công của trực thăng tấn công và máy bay không người lái, tên lửa phóng thẳng đứng của hệ thống cho phép tiêu diệt nhiều loại tên lửa hành trình có tốc độ cận âm như Tomahawk của Mỹ hay HF-IIE của Đài Loan, trong tình huống những tên lửa hành trình này tấn công cơ sở hạ tầng chỉ huy, kiểm soát và điều hành tác chiến của quân đội Trung Quốc.