Trả lời bình luận của các quan chức Mỹ, cho rằng sự phát triển tên lửa của Trung Quốc là một mối quan ngại nghiêm trọng, các nhà phân tích Bắc Kinh cho biết, những lợi ích quốc gia và chiến lược răn đe của Trung Quốc đã phát triển, không như cách đây ba thập kỷ.
Bộ ngoại giao Mỹ tuyên bố, Mỹ đang lên tiếng phản đối việc sử dụng tên lửa siêu thanh cho các mục đích quân sự của Trung Quốc và Nga.
Ngày 19/10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ - Ned Price - cho biết, Trung Quốc đang chệch hướng khỏi chiến lược răn đe hạt nhân tối thiểu, tiến hành hơn 250 vụ phóng tên lửa đạn đạo từ tháng 1 đến tháng 9, và phát triển hệ thống phương tiện mang tiên tiến siêu thanh.
Những phát triển cho thấy Trung Quốc đang đi chệch hướng khỏi chiến lược hạt nhân răn đe tối thiểu, đã duy trì nhiều thập kỷ.
Trong chiến lược vũ khí hạt nhân, khả năng răn đe tối thiểu có nghĩa là sở hữu không nhiều vũ khí hạt nhân hơn mức cần thiết để ngăn chặn kẻ thù tấn công.
Theo các văn bản về quốc phòng của Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ “duy trì số lượng vũ khí hạt nhân ở mức thấp nhất cần thiết cho an ninh quốc gia”.
Trung Quốc không tham gia các cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân cũng như triển khai vũ khí hạt nhân ở các quốc gia khác.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Wang Wenbin - nhấn mạnh, xây dựng và phát triển quân đội của Trung Quốc chỉ nhằm mục đích phòng thủ và duy trì kho vũ khí hạt nhân ở mức tối thiểu.
Các quốc gia không đe dọa và gây tổn hại đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, thì quốc gia đó không bị đe dọa bởi nền quốc phòng Trung Quốc.
Đồng thời ông Wang Wenbin cũng nhấn mạnh, Mỹ đã chi một khoản ngân sách rất lớn để phát triển và hiện đại hóa vũ khí hạt nhân.
Ông nói: “Việc thổi phồng cái gọi là mối đe dọa Trung Quốc chỉ là cái cớ để biện minh cho việc Washington tăng cường sức mạnh quân sự nhằm duy trì lợi thế quân sự tuyệt đối".
Các chuyên gia quốc phòng và quan hệ quốc tế của Trung Quốc nhấn mạnh, Trung Quốc phải duy trì “khả năng răn đe tối thiểu” nhưng phù hợp với sự phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Shi Yinhong, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin, cho rằng Trung Quốc cần có khả năng chọc thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ, được triển khai trong khu vực. Ông nói
“Sự răn đe tối thiểu cần thiết cách đây 30 năm khác với những gì cần thiết ngày nay” - Shi nói - “Trung Quốc phải đáp trả việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ để duy trì khả năng răn đe tối thiểu. Dự trữ vũ khí hạt nhân Trung Quốc rất thấp so với Mỹ ”.
Mỹ đã triển khai nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa trong khu vực, trong đó có Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối ở Hàn Quốc. Bắc Kinh đã phản ứng gay gắt vấn đề này.
Các bình luận của Mỹ xuất hiện sau một bài báo của Financial Times, cho biết Trung Quốc đã phóng một tên lửa siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân 8/10.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc phủ nhận đây là một vụ thử tên lửa siêu thanh, khẳng định đây là "một cuộc thử nghiệm thường kỳ đối với phương tiện vận tải vũ trụ để xác minh khả năng tái sử dụng công nghệ".
Thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng cho rằng Trung Quốc có 350 đầu đạn hạt nhân, Nga 4.630 và Mỹ 3.750.
Đại sứ Mỹ tại Hội nghị Giải trừ quân bị Robert Wood cho biết Washington lo ngại về việc Trung Quốc và Nga sử dụng tên lửa siêu thanh và những ứng dụng quân sự tiềm năng đồng thời tuyên bố rằng, Mỹ hạn chế theo đuổi các ứng dụng quân sự cấp chiến lược với tên lửa siêu thanh.
Ông nhấn mạnh, “Trung Quốc và Nga đang theo đuổi rất tích cực việc sử dụng và quân sự hóa công nghệ này, vì vậy chúng tôi cần phải đáp lại bằng thực tế. Chúng tôi chỉ không biết làm thế nào để ngăn chặn công nghệ đó, Trung Quốc cũng vậy, Nga cũng vậy ”.
Mối quan ngại của Mỹ về tiềm năng vũ khí hạt nhân và tên lửa của Trung Quốc thường xuyên căng thẳng ngay cả trước khi Bắc Kinh có những phát triển tên lửa siêu thanh mang đầu đạn hạt nhân.
Trong bản báo cáo gần đây nhất gửi các nhà lập pháp năm 2020, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Trung Quốc có thể đã vượt qua khả năng quân sự của Mỹ trong phát triển tên lửa mang và có khả năng tăng gấp đôi kho đầu đạn hạt nhân trong thập kỷ tới.
Wu Riqiang, giáo sư tại Đại học Renmin chuyên về kiểm soát vũ khí, tuyên bố Mỹ không nên “ngạc nhiên khi thấy Trung Quốc và Nga thực hiện những biện pháp nhằm vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ tên lửa”.
Ông nói: “Mỹ đã nhiều lần tuyên bố không chấp nhận bất kỳ giới hạn nào đối với hệ thống phòng thủ tên lửa. Điều đó khiến Trung Quốc lo lắng về việc triển khai hệ thống như vậy trong tương lai quanh biên giới nước mình và cần chuẩn bị trước”.
Wu cho biết, trở ngại chính trong việc tổ chức các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Trung Quốc và Mỹ là Mỹ đã không chấp nhận dễ bị tổn thương từ phía Trung Quốc.
Khái niệm về sự dễ bị tổn thương lẫn nhau đã ngăn chặn Mỹ và Liên Xô cũ tham gia vào một cuộc chiến tranh hạt nhân trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, đạt được bằng cách mỗi bên đều thừa nhận dễ bị tổn thương trước các lực lượng hạt nhân của đối phương.
"Nếu Mỹ thực sự quan tâm đến sự phát triển hạt nhân của Trung Quốc, thì tại sao Mỹ không thừa nhận sự dễ bị tổn thương đối với Trung Quốc?" - ông nói - “Chỉ khi thừa nhận tính dễ bị tổn thương thì những cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân mới có thể thực hiện được. Một thực tế là sức mạnh hạt nhân của Trung Quốc đang tăng lên. Tình hình đã thay đổi nên nhu cầu về một kho dự trữ hạt nhân lớn hơn có ý nghĩa quan trọng với Bắc Kinh”.